Gia đình chị Chung Thị Lân ở thôn 8, xã Quảng Khê huyện Đăk Glong là người đầu tiên áp dụng né gỗ để nuôi tằm và cũng là người đầu tiên áp dụng nuôi tằm dưới nền xi măng. Cách làm của chị mang lại hiệu quả kinh tế cao, khắc phục những hạn chế của phương pháp nuôi tằm truyền thống.

Theo chị Lân, nuôi tằm trên nong theo truyền thống tốn công chăm, dâu phải hái từng lá, ngày nào cũng nâng nong lên, xuống để cho tằm ăn, làm vệ sinh nong 4 lần/ngày. Nông dân nuôi tằm trên nong theo kiểu cũ còn phải hứng chịu hơi nóng của phân tằm bốc lên, tằm hay bị bệnh, chất lượng kém. Còn nuôi tằm trên nền xi-măng đơn giản hơn rất nhiều, tằm từ 4 ngày tuổi nuôi trên nong 2-3 ngày cho quen, sau đó được nuôi trực tiếp trên nền xi-măng. Người nuôi không phải nhặt từng lá dâu mà có thể rải trực tiếp hoặc chặt cả cành dâu để trên nền, tằm sẽ tự ăn. Tằm nuôi trên nền xi-măng mát mẻ, thoáng khí, không bị hấp hơi nóng như nuôi trong nong cũ, tránh được nhiều bệnh…

Ngoài ra để nuôi tằm có hiệu quả người nuôi tằm cần chú ý đến việc sử dụng các giống dâu. Hiện nay, chị Lân đang trồng giống dâu S7-CB. Nhiều năm qua, giống dâu này đã khẳng định về năng suất, chất lượng lá, đặc biệt là lá to, dày nên chi phí về công thu hoạch cũng giảm rất nhiều so với các giống dâu khác.

Mô hình nuôi tằm dưới nền xi măng nhà chị Chung Thị Lân

Chị Lân cho biết, hiện nay giá kén trên địa bàn tỉnh Đăk Nông dao động từ 120 – 140 nghìn/kg. Theo tính toán của chị Lân, sau thời gian nuôi từ 15-18 ngày, hiệu quả kinh tế của 1 hộp tằm tuổi 3  trừ hết các khoản chi phí người nuôi tằm lợi nhuận trên dưới 3 triệu đồng. Xác định nghề trồng dâu nuôi tằm không những mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định mà còn tạo công ăn việc làm, thu hút nguồn lao động nông nhàn, góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân tại địa phương.

Với cách làm sáng tạo và mang lại hiệu quả cao, từ năm 2012 đến nay chị được công nhận là nông dân sản xuất giỏi của huyện Đăk Glong và được tặng bằng khen của Hội Nông dân tỉnh Đăk Nông. Mô hình nuôi tằm của chị Lân cũng được nhiều nông dân quanh vùng đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Nhờ trồng dâu nuôi tằm từ hộ nghèo nhất nhì trong thôn đến nay, hộ anh Phạm Văn Hiệp ở thôn Đăk Lang, xã Quảng Khê đã trở thành hộ khá giả, có của ăn của để. Anh Hiệp cho biết, năm 2011 anh bắt đầu trồng dâu nuôi tằm. Với 1,5 sào đất trồng dâu, cứ đều đặn mỗi tháng có 2 đợt nuôi tằm. Số lượng tằm dựa vào lượng dâu nên mỗi đợt anh nuôi 1 hộp tằm giống, chi phí gần 1 triệu đồng, sau 20 ngày, tằm cho thu hoạch khoảng 45 kg kén, giá bán 120 nghìn/kg, anh thu được hơn 3 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Nhận thấy nghề trồng dâu nuôi tằm có hiệu quả, vốn ban đầu bỏ ra ít, thu hồi vốn nhanh, anh bắt đầu mở rộng quy mô tăng đàn và thuê đất trồng dâu. Sau gần 10 năm trồng dâu nuôi tằm anh đã có của ăn của để, xây nhà khang trang, mua đất trồng dâu và mở rộng diện tích nuôi tằm. Hiện anh đang có 3 nhà nuôi tằm với quy mô 20 hộp/tháng, có thời điểm được giá anh nuôi 40 hộp/tháng, tổng thu nhập bình quân mỗi tháng trên 50 triệu đồng.

Anh Hiệp chia sẻ, nuôi tằm dễ, chỉ cần chủ động đủ lượng thức ăn cho tằm là có thể nuôi được. Hiện tại anh đang mua giống tằm ở tuổi 3,4 về nuôi, thời gian nuôi từ 10-18 ngày/lứa, anh nuôi trực tiếp dưới nền xi măng, công việc chăm sóc và nuôi tằm dễ hơn trước đây rất nhiều. Giai đoạn đầu mới bắt tằm về phải thái lá dâu nhưng 3 - 4 ngày sau có thể bỏ trực tiếp cả cành dâu cho tằm ăn, do đó công chăm sóc cũng nhàn hơn nhiều. Tuy nhiên, anh Hiệp khá lo lắng về việc bị thương lái ép giá, thị trường tiêu thụ phụ thuộc vào thương lái tỉnh Lâm Đồng. Anh mong muốn các ngành chức năng quan tâm hơn nữa đến nghề trồng dâu nuôi tằm vì hiện tại toàn thôn Đăk Lang có khoảng 20 hộ, với hơn 10 ha đất trồng dâu phục vụ nuôi tằm. Nguyện vọng của Anh cũng như bà con trong thôn Đăk Lang, trong thời gian tới Đăk Nông nên có công ty cung cấp giống tằm, thu mua kén tằm, liên kết với các hộ trồng dâu nuôi tằm, tạo sự ổn định về giá cả để bà con yên tâm sản xuất và phát triển nghề nuôi truyền thống này.

Ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, chính quyền địa phương đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất dâu tằm tơ thôn Phú Hòa với 22 hộ dân tham gia. Bước đầu các hộ dân được chính quyền hỗ trợ hom dâu, phân bón để trồng dâu.

Theo ông Phạm Xuân Trường - Tổ trưởng Tổ hợp tác dâu tằm thôn Phú Hòa, qua 4 năm hoạt động, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự giúp đỡ của các cấp hội nông dân, chính quyền, Tổ hợp tác đã dần đi vào ổn định và có hướng phát triển tốt. Nhiều hộ dân đã mở rộng diện tích trồng dâu, đầu tư trang thiết bị nuôi tằm hiện đại để nâng cao năng suất và chất lượng kén. Các thành viên cũng đã được tham quan, tìm hiểu và học hỏi một số mô hình trồng dâu nuôi tằm phát triển tốt ở Lâm Đồng, vận dụng vào thực tế sản xuất tại địa phương, từ đó dần làm chủ được các yếu tố về quy trình, kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, thu hoạch kén,… Hiện tại các thành viên trong Tổ hợp tác đều đã xây dựng nhà nuôi tằm kiên cố. Ngoài ra một số hộ dân còn hệ thống điều hòa nhiệt độ để đáp ứng phù hợp cho tằm khi thời tiết năng nóng, nhờ vậy chất lượng kén đạt rất cao, bình quân 1 hộp tằm giống cho ra 60 - 70 kg kén.

Ông Trường cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay sự ảnh hưởng của dịch covid-19 nhưng các thành viên trong tổ vẫn đạt nhiều kết quả khả quan. Bình quân mỗi tháng, 22 hộ này có tổng thu hơn 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi hộ lãi ròng gần 7 triệu đồng.

Việc thành lập tổ hợp tác sản xuất dâu tằm thôn Phú Hòa xã Quảng Phú đã tạo ra mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dâu tằm chặt chẽ và ổn định, thể hiện sự đồng thuận cao từ chính quyền địa phương, nông hộ, tổ hợp tác đến các doanh nghiệp cung ứng dâu tằm, thu mua kén với thực tế chất lượng của sản phẩm, theo đúng giá trên thị trường. Qua đó, thay đổi nhận thức và phương thức sản xuất của các thành viên và nâng cao kỹ thuật của người dân, từng bước hình thành vùng chuyên canh dâu tằm có năng suất cao, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích và thâm canh theo hướng bền vững, thúc đầy việc phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm đã có từ lâu tại địa phương. Tính đến thời điểm hiện tại số thành viên trong Tổ hợp tác đã tăng lên 37 thành viên.

Mô hình tổ hợp tác dâu tằm Phú Hòa đã và đang là hướng đi đúng đắn, phù hợp với định hướng phát triển của chính quyền địa phương. Hy vọng mô hình tổ hợp tác dâu tằm sẽ được nhân rộng đến nhiều huyện, xã trong tỉnh để nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển bền vững, là nguồn thu nhập ổn định và hiệu quả cho người dân.

Nguyễn Thị Khánh

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Nông