Thông qua các chính sách kích cầu của huyện, xã và sự tất yếu của người chăn nuôi là hướng đến xu thế chăn nuôi phát triển bền vững, tháng 2/2017, Tổ hợp tác trồng cỏ, chăn nuôi trâu, bò Trung Thành, xã Nam Dong, huyện Cư Jút được hình thành với 24 thành viên. Mặc dù, chỉ mới hoạt động được gần 1 năm nhưng bước đầu chính quyền địa phương và các hộ dân khẳng định đây là mô hình phù hợp điều kiện đất đai thổ nhưỡng, khai thác tối đa tiềm năng vùng đồi núi của  xã.

Anh Nguyễn Văn Tuyên, thành viên THT chia sẻ, trước đây, gia đình anh chăn nuôi bò theo truyền thống, hàng ngày vẫn phải mất công đi chăn, mùa mưa, không chăn được thì cắt cỏ ngoài vườn để chăm cho đàn bò. Tuy nhiên, khi tham gia THT, anh được đi tham quan, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng trừ dịch, bệnh trên đàn trâu, bò. Đặc biệt là học được kỹ thuật ủ chua thức ăn cho đàn bò, vừa giải quyết được khâu dự trữ thức ăn vào mùa khô, vừa tốt cho hệ tiêu hóa giúp đàn bò phát triển tốt. Gia đình anh tính mở rộng quy mô chăn nuôi.

Theo chị Bùi Thị Khánh – thành viên THT thì việc phát triển kinh tế theo mô hình THT tạo sự gắn kết giữa cộng đồng dân cư với nhau, cùng giúp nhau làm giàu và quan trọng nhất là khi tham gia THT, 16 thành viên được vay 500 triệu đồng với lãi suất 0,7%/năm. Nhờ nguồn vốn này, các thành viên trong THT đã đầu tư xây dựng chuồng trại theo tiêu chuẩn, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, mua thêm con giống và thu hút thêm người chăn nuôi tham gia THT.  Nếu như khi mới thành  lập, THT chỉ có 24 thành viên với  85 con trâu, bò thì đến cuối năm đã tăng lên 33 thành viên với 145 con trâu, bò.

Việc xây dựng mô hình THT là hướng đến một nền chăn nuôi nông hộ bền vững

Có thể nói, mô hình THT trồng cỏ, chăn nuôi trâu, bò Trung Thành là mô hình mới ở xã Nam Dong. Tuy chưa thể hiện rõ hiệu quả kinh tế vì đang trong giai đoạn khởi nghiệp nhưng nó đã giải quyết được bài toán việc làm cho những lao động già cả, phụ nữ chân yếu tay mềm trong thôn, tận dụng thời gian nông nhàn, tăng thêm thu nhập cho gia đình; đồng thời, tận dụng được hết phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, gốc lạc, bắp ngô phụ phẩm xay xát,... Hiện đã có doanh nghiệp đến khảo sát và dự kiến năm 2018 doanh nghiệp sẽ triển khai mô hình vỗ béo bò, người dân chỉ bỏ công chăm sóc, xây dựng chuồng trại còn doanh nghiệp sẽ cung cấp con giống và thu mua sản phẩm nên hứa hẹn chuỗi liên kết chăn nuôi bền vững cho người nông dân.

Việc xây dựng mô hình THT là hướng đến một nền chăn nuôi nông hộ bền vững, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường, có sự quản lý, điều hành của tổ trưởng, tổ phó và sự giám sát của các thành viên. Mô hình này không đòi hỏi nhiều vốn nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao và quan trọng nhất là phù hợp với đất đai thổ nhưỡng, khí hậu huyện vùng núi Cư Jút nói chung, Đăk Nông nói riêng.

Hương Thơm

Đài truyền thanh Cư Jút, Đăk Nông