Đắk Nông là tỉnh có điều kiện về đất đai và khí hậu phù hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt nguồn đất đỏ bazan thích hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cà phê, cao su, tiêu, điều,…

Hiện nay, cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Đăk Nông nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Với tổng diện tích toàn tỉnh khoảng trên 129.225ha, trong đó diện tích kinh doanh: 116.134 ha, năng suất bình quân đạt: 25,87 tạ/ha, sản lượng thu hoạch đạt 399.440 tấn.

Tuy nhiên, việc phát triển cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong những năm trước đây chưa mang tính bền vững, chưa phát huy hết tiềm năng về đất đai, khí hậu để nâng cao năng suất, chất lượng và  hiệu quả kinh tế. Ngành hàng cà phê Đắk Nông đang đứng trước những thách thức như: cà phê trồng tự phát, kể cả trên những chân đất không phù hợp, không đủ điều kiện canh tác (đất có độ dốc lớn, tầng canh tác mỏng, nguồn nước tưới không đảm bảo...); chất lượng giống chưa đảm bảo, mẫn cảm nhiều loại sâu bệnh hại; hơn 60% diện tích cà phê sử dụng cây giống thực sinh nên độ đồng đều của vườn thấp, năng suất, chất lượng không cao và chu kỳ kinh doanh ngắn (sâu hại, bệnh gỉ sắt, quả nhỏ và ít, đốt cành thưa, chín không đều, chín không tập trung)…

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh ban hành Quyết định số: 41/QĐ-UBND, ngày 08/01/2016 của UBND tỉnh Đắk Nông, về việc ban hành Kế hoạch triển khai Phương án tái canh cây cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016-2020.

Sau 5 năm thực hiện, toàn tỉnh đã tái canh, ghép cải tạo cà phê với tổng  diện tích 13.330,92ha, trong đó huyện có diện tích cà phê được ghép cải tạo, tái canh nhiều nhất là huyện Đắk Mil với tổng diện tích 5.467ha; Đắk R lấp với 3.017,12ha. Trong giai đoạn 2016-2020 thì năm 2020 được người dân đầu tư tái canh, ghép cải tạo nhiều nhất với tổng diện tích 4.606,52 ha, tăng 100% so với những năm trước.

Đánh giá sơ bộ về năng suất, sản lượng cà phê so với trước tái canh cho thấy: năng suất bình quân trước khi tái canh, ghép cải tạo đạt 20-24 tạ/ha, sau khi tái canh bằng cây giống mới (TRS1, TR4, TR9, TR11, cà phê dây,…) năng suất trung bình đạt 30-35 tạ/ha; năng suất trung bình đối với cà phê ghép cải tạo đạt 35-40 tạ/ha; cá biệt có một số vườn sau khi tái canh, ghép cải tạo năng suất đạt 45-50 tạ/ha. Kết quả bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao so với trước khi áp dụng tái canh. Theo kế hoạch đề ra tại Chương trình tái canh cây cà phê, ghép cải tạo giai đoạn 2016 –2020 là 22.099,19 ha (trong đó diện tích cần tái canh là 13.369,33 ha, diện tích cần ghép cải tạo là 8.729,86 ha). Kết quả triển khai thực hiện Chương trình tái canh đến năm 2020 đạt 13.330,92 ha/22.099,19 ha KH, đạt 60,32%.

Có thể khẳng định, chương trình tái canh cây cà phê, ghép cải tạo là chương trình có ý nghĩa thiết thực, mục đích giúp cho người dân sản xuất cà phê trẻ hóa được vườn cây, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Tuy nhiên việc triển khai chương trình còn chậm chỉ đạt 60,32% so với kế hoạch và nguyên nhân được xác định là: chưa có chính sách hỗ trợ đối với chương trình ghép cải tạo (cung cấp chồi ghép hoặc xây dựng vườn nhân chồi ghép); diện tích ghép cải tạo chủ yếu được người dân tự thực hiện với nhiều hình thức khác nhau như: ghép cải tạo đồng bộ trên toàn vườn hoặc ghép cải tạo những cây xấu trong vườn; phần lớn người dân thực hiện tái canh chưa tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn dẫn đến một số diện tích cà phê tái canh không thành công ở một số địa phương.

Để Chương trình tái canh, ghép cải tạo cà phê giai đoạn 2021-2025 đạt được kế hoạch đề ra rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các nhà khoa học và sự thay đổi nhận thức của người dân. Chỉ có như vậy, việc phát triển cà phê tại Đăk Nông mới thực sự bền vững.

Nguyễn Thị Thảo

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông