Toàn cảnh hội nghị

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 05 tháng 4 năm 2011 của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 313/KH-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2011, trong đó xác định mục đích, yêu cầu, các chỉ tiêu cụ thể và giải pháp thực hiện; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, với quan điểm xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao và bền vững, sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; đồng thời tạo môi trường thông thoáng thu hút các thành phần kinh tế đầu tư trên địa bàn tỉnh để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 3.283 mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; trong đó các doanh nghiệp (công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác) là 1.557 mô hình.

Thực tế kết quả sản xuất đã khẳng định cần thiết phải thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, được đông đảo tầng lớp nông dân và doanh nghiệp hưởng ứng và triển khai thực hiện; thông qua việc thực hiện các tiến bộ kỹ thuật - công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhận thức mới, cách làm mới trong nông nghiệp. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân có chuyển biến tích cực; nhiều nguồn vốn, chương trình trong nông nghiệp được huy động và triển khai thực hiện, nhằm thay đổi tổng quát canh tác trên nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi. Nhiều mô hình tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ trong nông nghiệp được áp dụng nên năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất được cải thiện đáng kể.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã góp phần tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, nhưng vẫn gia tăng về giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tạo bước đột phá về nhận thức và hành động trong cộng đồng, nhiều cách làm mới, nhiều mô hình sản xuất được các doanh nghiệp và người dân mạnh dạn thực hiện, đem lại hiệu quả cao. Kết quả lớn nhất là tập quán canh tác cơ bản thay đổi theo hướng hiệu quả và chất lượng, khai thác tốt hơn các điều kiện tự nhiên, lợi thế của vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên, hướng đến sản xuất bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Được sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quang Dần đã báo cáo công tác triển khai và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Trong lĩnh vực trồng trọt có các mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chứng nhận, mô hình tái canh ghép cải tạo cà phê, mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây hồ tiêu, mô hình áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây hồ tiêu, mô hình trồng cây ăn quả áp dụng các biện pháp canh tác bền vững theo hướng VietGAP đáp ứng nhu cầu phát triển, có chất lượng phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, mô hình trồng rau trong nhà lồng, mô hình trồng và thâm canh cây lúa nước. Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện toàn tỉnh có 74 trang trại chăn nuôi heo, trong đó có 30 trang trại quy mô lớn của Công ty chăn nuôi cổ phần với quy mô từ 500-700 con heo thịt, 01 cơ sở chăn nuôi heo giống của Hợp tác xã Đồng Tiến và 01 trang trại của Công ty Green farm nuôi heo nái sản xuất giống chất lượng cao với quy mô là 1.500 con heo nái. Thu nhập từ chăn nuôi đã theo hình thức trang trại thu nhập từ 0,7-1,1 triệu đồng/con. Công tác ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản vẫn còn hạn chế, chủ yếu áp dụng trong việc đưa các giống có giá trị thương phẩm cao như trắm, chép, rô phi, diêu hồng… vào nuôi trồng. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác cây trồng, chăn nuôi ngày càng được người dân quan tâm và ứng dụng rộng rãi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân sản xuất tiêu biểu cũng đã trình bày những khó khăn, thuận lợi, và kết quả thực hiện việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đồng thời kiến nghị, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo triển khai nghiên cứu các chính sách để hỗ trợ phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Qua hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 05/4/2011 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến 2020, các huyện và thị xã đã triển khai, đưa Nghị quyết vào cuộc sống nhằm phát triển kinh tế xã hội. Nổi bật các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Song, Tuy Đức và thị xã Gia Nghĩa. Các huyện đã huy động từ nhiều nguồn lực, vật lực của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp và thu hút vốn bên ngoài từ các tỉnh để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương. Tùy vào thế mạnh của địa phương mà các huyện chọn những mô hình phù hợp và khả năng phát triển tốt để ứng dụng. Huyện Cư Jút và Krông Nô tập trung phát triển đàn bò, trồng rau, cây dược liệu, cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày. Huyện Đắk Mil tập trung vào cây công nghiệp chủ lực là cà phê và hồ tiêu, cây ăn trái, rau và hoa. Huyện Đắk Song tập trung vào cây hồ tiêu. Huyện Đắk Rlấp, Đắk Glong, Tuy Đức và thị xã Gia Nghĩa ngoài tập trung phát triển cây chủ lực còn tập trung phát triển cây ăn trái, cam, quýt… Đặc biệt, mô hình nhà lồng được xây dựng hầu hết tại các huyện. Công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân được ứng dụng rộng rãi. Kết quả đạt được, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Trương Thanh Tùng khẳng định ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là khâu then chốt để phát triển một nền nông nghiệp bền vững. Đồng chí cũng đề nghị, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết giữa các hợp tác xã với nhau, liên kết giữa các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ lẻ; hoàn thiện quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cần nghiên cứu, rà soát ban hành các cơ chế, chính sách cho phải phù hợp với việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo từng vùng, từng loại cây trồng cho phù hợp. Từ đó, mỗi địa phương có ít nhất một sản phẩm thế mạnh.

Nguyễn Văn Hiếu

BQL Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đắk Nông