Nhờ áp dụng kỹ thuật tiên tiến, sử dụng giống mới cho năng suất khá cao, giá thành và thị trường xuất khẩu ổn định như hiện nay đã giúp nhiều hộ nông dân trồng xoài trong xã có thu nhập cao thậm chí còn cao hơn cả cây cà phê và hồ tiêu.

Anh Đinh Văn Dũng ở thôn Trung Hòa, xã Đắk Gằn là 1 trong số những hộ khá thành công với mô hình trồng xoài. Anh dũng cho biết: năm 2009 gia đình anh từ xã Nam Dong, huyện Cư Jút đến Đắk Gằn mua 2,5 ha đất để canh tác cây xoài, lúc đầu anh chỉ trồng 700 cây xoài Đài Loan, sau đó anh trồng thêm 200 cây xoài thái và 300 cây xoài úc. Mỗi cây cho thu từ 90 – 100 quả/cây/vụ chính, mỗi quả nặng từ 1 - 1,5 kg, vụ 2 thì mỗi cây cũng trung bình khoảng 40 quả.

Anh Dũng cho biết: “Để đảm bảo năng suất nhưng vẫn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đòi hỏi người trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật canh tác xoài, từ khâu chọn giống đến chăm sóc. Chỉ được dùng thuốc BVTV lúc xử lý ra hoa đậu quả, giai đoạn cây bắt đầu ra hoa, đậu quả phải xịt thuốc phòng bệnh thán thư, xì mủ, thối trái, rụng trái non định kỳ 7-10 ngày 1 lần, khi đậu quả rồi thì dùng thuốc sinh học phun, đặc biệt sau mỗi trận mưa hay sương mù là phải phun rửa quả, giai đoạn quả to bằng vốc tay không cần sử dụng thuốc hóa học vì lúc này phải dùng túi chuyên dụng để bao quả hạn chế sâu bệnh và giúp quả có màu đặc trưng. Màu quả phụ thuộc nhiều vào túi bọc, nếu bọc túi màu trắng thì quả có màu xanh, nếu bọc túi màu vàng thì xoài có màu vàng tươi rất đẹp”.

Phân bón cho xoài anh Dũng cũng chủ yếu dùng phân vi sinh hữu cơ và khoảng 0,6 kg NPK/cây/năm, bón 2 lần/năm, ngoài ra sử dụng thêm phân bón lá khi quả nhỏ để bổ sung thêm dinh dưỡng, khi quả già tuyệt đối không sử dụng bất kỳ 1 loại thuốc hay phân bón gì nên xoài của gia đình anh chất lượng đảm bảo sạch.

Để đảm bảo năng suất cho vụ sau không nên để quả sai quá, sau khi thu hoạch cần cắt cành để tạo độ thông thoáng cho vườn. Sau đó khi cây phát đọt cứng cáp thì cần bón phân, phun thuốc để kích thích cây ra hoa đồng loạt. Sau khi xoài ra hoa, người trồng cần hạn chế nước để lượng phân bón xuống tập trung nuôi hoa mà không nuôi thân. Mùa nắng 7-10 ngày tưới 1 lần nhưng lúc hạn chế nước chỉ tưới định kỳ từ 10-15 ngày 1 lần và lượng nước gia giảm chỉ tưới đủ ướt mà không tưới đẫm như thời điểm khác.

Mô hình trồng xoài nhà anh Dũng tại xã Đắk Gằn

Được biết, gia đình anh Dũng vừa thu hoạch xong vụ chính xoài để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo tính toán của anh Dũng: “Cây xoài rất dễ trồng, thích nghi tốt với khí hậu nắng nóng của xã, ít sâu bệnh nên cho năng suất cao, nhất là đầu ra tương đối ổn định. Đến mùa thu hoạch, có thương lái tới tận vườn để hái đưa đi xuất khẩu. Một ha xoài giống Đài Loan trồng sau hơn 2 năm cho thu bói, năm sau có thể cho thu chính 2 đợt trong năm, bình quân 1 ha sẽ thu được khoảng 50 - 60 tấn quả, với giá bán khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Sau khi trừ chi phí người trồng thu lãi hơn 400 triệu đồng/năm”.

Có thể nói, Đắk Gằn là vùng đất khô cằn, thiếu nước tưới nên trồng cà phê, hồ tiêu không mang lại hiệu quả như những xã khác. Để nâng cao thu nhập, một số nông dân xã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây xoài Thái, xoài Đài loan, xoài Úc… với diện tích ngày càng lớn, tuy nhiên chủ yếu là canh tác theo hướng tự phát. Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân trồng xoài, các cấp các ngành có liện quan, chính quyền xã nên tạo điều kiện và hướng cho người nông dân hình thành nhóm đồng sở thích hoặc tổ hợp tác để sản xuất theo chuỗi liên kết, sản xuất bền vững giữa khâu sản xuất và thị trường tiêu thụ, từ đó người nông dân có thể hỗ trợ cho nhau, ký hợp đồng mua vật tư và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm rõ ràng với doanh nghiệp có uy tín, tránh tình trạng thương lái ép giá hoặc không mua sản phẩm khi đến vụ thu hoạch, đồng thời cũng xây dựng được thương hiệu xoài Đắk Gằn trên thị trường xuất khẩu.

Hoàng Thái Học

Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông