Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến tháng 9/2019 diện tích cà phê cả nước ước đạt 688,3 nghìn ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, tổng diện tích tái canh và ghép cải tạo tại các tỉnh Tây Nguyên tính đến tháng 6/2019 là 118.202 ha (diện tích tái canh là 84.165 ha, ghép cải tạo là 34.037 ha).

Tại Lâm Đồng, sau gần 6 năm triển khai thực hiện, chương trình tái canh cà phê đã đem lại một số kết quả như: Trẻ hóa vườn cà phê già cỗi, vườn cà phê bị sâu bệnh, năng suất thấp không còn khả năng phục hồi, góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 26,1 tạ/ha năm 2012 tăng lên 31,3 tạ/ha năm 2018; Sản lượng cà phê năm 2012 là 365.923,6 tấn tăng lên 507.782,3 tấn năm 2018. Riêng huyện Di Linh, Bảo Lâm có trên 10.000 ha chuyên canh cà phê cho năng suất từ 4 tấn trở lên. Cùng với đó, tổng kinh phí thực hiện tái canh cải tạo cà phê toàn giai đoạn ước đạt 10.281.412 triệu đồng.

Để xây dựng ngành cà phê Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, có tính cạnh tranh cao với các sản phẩm đa dạng, có chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã đưa ra một số định hướng như sau:

- Về quy mô phát triển đến năm 2025: Tiếp tục duy trì ổn định diện tích 600 nghìn ha, năng suất 2,7 - 2,9 tấn/ha, sản lượng 1,8 - 2 triệu tấn/năm. Quy hoạch vùng trồng cà phê chất lượng cao chiếm khoảng 25% diện tích ở Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Tây Bắc.

- Cần tiếp tục rà soát, phân loại, xác định diện tích cà phê già cỗi bắt buộc phải tái canh, kết hợp trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm. Các địa phương tiếp tục duy trì Ban chỉ đạo tái canh cà phê. Sau năm 2020, các địa phương cần tiếp tục có kế hoạch, giải pháp và nguồn vốn cho tái canh cà phê.

- Xác định cơ cấu giống có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái một số tiểu vùng tái canh. Rà soát phân loại, đánh giá, lựa chọn các cơ sở nhân giống cà phê đủ điều kiện để nhân giống. Sử dụng 100% giống cà phê có năng suất, chất lượng cao, chín đều, thích ứng với BĐKH trong tái canh và trồng mới.

- Tiếp tục hoàn thiện quy trình tái canh cà phê vối và cà phê chè để phù hợp với điều kiện sản xuất. Thực hiện canh tác theo hướng GAP, bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập và bảo vệ môi trường. Tăng cường bón phân hữu cơ, bón phân vô cơ cân đối, bón phân đạm vừa đủ, hạn chế thuốc BVTV, chất kích thích sinh trưởng. Thực hiện chế độ tưới nước khoa học, hợp lý, tiết kiệm bằng tưới dí gốc, tưới phun mưa, nhỏ giọt. Đối với những vùng cà phê tái canh có đủ điều kiện trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, thực hiện trồng xen theo quy trình trồng xen đã được ban hành.

Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục thực hiện xây dựng mã vùng trồng cà phê, hướng dẫn quy trình thủ tục vay vốn để người dân được tiếp cận thuận lợi, từ đó giúp chương trình sản xuất và tái canh cà phê đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, trở thành ngành hàng phát triển mũi nhọn của khu vực Tây Nguyên./.

Văn Thọ

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng