Diện tích lúa ruộng năm 2020 khoảng 30.000 ha. Gạo Điện Biên đã có thương hiệu khá nổi tiếng trên thị trường, giá trị và chất lượng thơm ngon được người tiêu dùng lựa chọn tập trung chính tại vùng lòng chảo Mường Thanh với diện tích 4.300 ha.

Khu vực lòng chảo Mường Thanh thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên gồm có các xã như: Thanh Yên, Thanh Hưng, Thanh Xương… có điều kiện đất đai màu mỡ, khí hậu nhiệt đới gió mùa, thích hợp để canh tác cây lúa nước, với sản phẩm gạo chất lượng thơm ngon. Nắm bắt những lợi thế đó, một số công ty, HTX đã liên kết để người dân tự nguyện góp đất hình thành cánh đồng mẫu lớn, tham gia sản xuất lúa gạo theo chuỗi liên kết.

Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND huyện Điện Biên, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Điện Biên, Hợp tác xã dịch vụ Thanh Yên xây dựng “Mô hình liên kết sản xuất giống lúa HaNa 112 theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm, vụ Đông Xuân 2019-2020 trên địa bàn huyện” bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Qua 4 vụ khảo nghiệm và sản xuất thử thông qua mô hình liên kết trên địa bàn huyện Điện Biên, giống HaNa 112 cho năng suất tương đối cao và ổn định ở cả 2 vụ/năm (Vụ mùa 2018: năng suất bình quân đạt 63,5 tạ/ha; Vụ Đông Xuân 2018-2019: năng suất bình quân đạt 69,1 tạ/ha; Vụ Mùa 2019: năng suất bình quân đạt 64,2 tạ/ha; Vụ Đông Xuân 2019-2020: năng suất ước đạt 68,3 tạ/ha). Tỷ lệ gạo xát đạt trên 70%. Về chất lượng, cơm dẻo, thơm, đậm, ngon hơn Séng cù và Bắc thơm số 7, được nhiều người tiêu thụ đánh giá cao. Do đó giá thóc luôn cao hơn và ổn định so với thóc Séng cù và Bắc thơm số 7.

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: Qua 4 vụ khảo nghiệm từ năm 2018-2019 và sản xuất thử thông qua mô hình liên kết trên địa bàn huyện Điện Biên, giống HaNa 112 cho năng suất tương đối cao và ổn định, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện. Trong thời gian tới huyện sẽ phối hợp với công ty giống, tạo điều kiện hồ sơ, thủ tục để đưa giống HaNa 112 vào bộ giống của tỉnh và mở rộng diện tích trồng đại trà. Đồng thời nhận định trong điều kiện diễn biến phức tạp của thời tiết, dịch bệnh như hiện nay thì việc áp dụng mô hình trên địa bàn tỉnh là hướng đi phù hợp vừa tạo ra sản phẩm sạch tốt cho sức khỏe, có giá trị cao, vừa bảo vệ môi trường sản xuất, môi trường sinh thái, tăng thu nhập cho nông dân bền vững.

Hoàng Khắc Tân

Trung tâm Khuyến nông giống CTVN Điện Biên