Diễn đàn thu hút đông đảo nông dân tham dự

Ông Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục trồng trọt và bà Phan Thị Thu Sương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bến Tre đồng chủ trì diễn đàn.

Tham dự diễn đàn có 300 đại biểu, trong đó có khoảng 200 đại biểu là nông dân đến từ 08 tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Hậu Giang. Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã được nghe các báo cáo của Cục Trồng trọt, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, Hiệp hội rau quả Việt Nam và tham luận chia sẻ của đại diện nông dân tỉnh Bến Tre.

Với diện tích trên 400 nghìn hécta, sản lượng trên 3 triệu tấn, chủng loại cây ăn quả phong phú, tỷ trọng xuất khẩu cao đều tập trung vào vùng Nam Bộ, cây ăn quả đang là một trong 3 thế mạnh của vùng, sau thủy sản và lúa. Sản xuất cây ăn quả đã và đang mang lại hiệu quả cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng của vùng theo hướng gia tăng và phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, làm giàu, xây dựng nông thôn mới. Tại Nam Bộ, cây ăn quả đóng vai trò cây trồng chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, diện tích ngày càng mở rộng, sản xuất theo hướng ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao và cơ giới hóa, tổ chức sản xuất theo hướng chuỗi giá trị sản phẩm, chất lượng sản phẩm cao, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm đặc thù theo cây, vùng địa phương sản xuất.

Bên cạnh lợi thế, sản xuất cây ăn quả Nam Bộ đang đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với hiện tượng thời tiết cực đoan, như nắng, nóng kéo dài gây hạn, hán, xâm nhập mặn, mưa lớn và trái mùa gây úng lụt, nhiệt độ thay đổi bất thường... gây hại cho sản xuất, bùng phát sâu bệnh hại, giảm năng suất và chất lượng sản phẩm. Sức cạnh tranh của sản phẩm trái cây Việt Nam nói chung và vùng Nam Bộ nói riêng còn thấp, một số sản phẩm có sức cạnh tranh kém các nước xung quanh do những hạn chế về chất lượng giống cây ăn quả, kỹ năng sản xuất, cơ giới hóa sản xuất, qui mô và trình độ tổ chức sản xuất, chính sách thúc đẩy sản xuất còn thiếu và bất cập, năng lực sản xuất của người nông dân nhiều nơi còn rất hạn chế, sản xuất theo kinh nghiệm cũ, quảng canh nên hiệu quả thấp, chưa đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Diễn đàn đã nhận được 33 câu hỏi của đại biểu tham dự và được Ban chủ tọa, Ban cố vấn trả lời trực tiếp tại diễn đàn. Các câu hỏi chủ yếu tập trung vào nội dung về giống, kỹ thuật ghép, kỹ thuật trồng, phân bón, thuốc BVTV, nước tưới liên quan đến cây ăn trái (bưởi da xanh, nhãn, ổi, sầu riêng, mãng cầu xiêm, vú sữa, dừa, cam, xoài, chôm chôm,...). Ngoài ra, nông dân đặc biệt quan tâm đến thị trường tiêu thụ sản phẩm, giải pháp phát triển bền vững cây ăn trái... Các câu hỏi đã được Ban cố vấn trả lời, giải đáp đáp ứng được yêu cầu của người hỏi, góp phần nâng cao hiểu biết về kỹ thuật sản xuất, chính sách của Nhà nước áp dụng vào sản xuất của địa phương và nông hộ.

Ban chủ tọa, Ban cố vấn tham gia giải đáp thắc mắc của nông dân tại diễn đàn

Để đạt được mục tiêu phát triển cây ăn quả Nam Bộ đến năm 2020 theo hướng nâng cao năng suất, 20-25% giá trị cây ăn quả chủ lực và 50% sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, TS Trần Văn Khởi - Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổng hợp một số giải pháp như sau:

- Thứ nhất, tổ chức sản xuất linh hoạt, phù hợp với từng địa phương và đối tượng cây trồng, hình thành các tổ chức nông dân như câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất theo cùng quy trình, an toàn thực phẩm, tạo khối lượng sản phẩm lớn, cung cấp ổn định cho doanh nghiệp trong chuỗi giá trị hàng hóa.

- Thứ hai, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật sản xuất cây ăn quả, trước mắt tuyển chọn giống cây ăn quả dài ngày, áp dụng kỹ thuật canh tác mới, đặc biệt áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa tự động hóa, tưới nước tiết kiệm, công nghệ sau thu hoạch... để giảm chi phí sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

- Thứ ba, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, xúc tiến thương mại sản phẩm, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, tránh tập trung vào một vài thị trường sẽ dễ gặp rủi ro, bên cạnh đó củng cố và xây dựng thương hiệu sản phẩm mạnh, uy tín cao gắn với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cây ăn quả.

- Thứ tư, tăng cường hiểu biết và năng lực của người sản xuất để tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông hộ nhằm giảm chi phí, hạ giá thành, tăng thu nhập.

- Thứ năm, ban hành và thực hiện tốt các chính sách hiện hành về ưu tiên tín dụng vốn vay sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách đất đai để mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại.

Các đại biểu tham quan mô hình bưởi da xanh tại xã Qưới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre

Thay mặt ban Ban chủ tọa diễn đàn, TS Trần Văn Khởi đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ tổ chức triển khai một số nội dung hội nghị như:

-  Tiếp tục giải đáp, tư vấn cho nông dân những thắc mắc, vướng mắc về kỹ thuật, chính sách liên quan đến sản xuất trong nước nói chung và sản xuất cây ăn trái nói riêng vùng Nam Bộ.

- Tổng kết, đánh giá những mô hình sản xuất tiên tiến, đặc biệt mô hình áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, sản xuất theo chuỗi giá trị để thông tin, khuyến cáo, biểu dương nhân rộng, lan tỏa ra sản xuất đại trà.

- Đề xuất những chính sách đặc thù của địa phương, bên cạnh chính sách chung của Nhà nước, để hỗ trợ cho sản xuất cây ăn quả, lưu ý tập trung nguồn lực cho đào tạo tập huấn nông dân, tư vấn nông dân, xây dựng mô hình, chứng nhận an toàn thực phẩm, quảng bá xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm./.

 Nguyễn Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia