Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, vụ Thu Đông năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp triển khai mô hình trình diễn áp dụng “1 Phải 5 Giảm” (1P5G) trong sản xuất lúa thuộc dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (gọi tắt là VnSAT) tại Hợp tác xã Phú Xuân - xã Phú Đức, Tam Nông, Đồng Tháp. Mô hình bước đầu đã đem lại những hiệu quả kinh tế xã hội.

Ông Ngô Văn Khừng (Ba Khừng) ngụ ấp Phú Xuân, xã Phú Đức, Tam Nông, Đồng Tháp là nông dân tham gia thực hiện mô hình trình diễn chia sẻ, hơn ba mươi năm trước vùng đất này được đánh thức tiềm năng trồng lúa thông qua công cuộc khai hoang Đồng Tháp Mười. Những năm đầu đất đai còn nhiễm phèn nặng, mùa màng thất bát, nhiều người đến lập nghiệp đã phải từ bỏ, bán lại đất giá rẻ như cho không. Từ quê nhà huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), ông Khừng đến Tam Nông bám mảnh ruộng này gần hai mươi năm. Trước đó đã qua hai, ba người chủ bán đất bỏ chạy, riêng ông luôn tin rằng đất sẽ không phụ lòng người và năng suất dần được cải thiện qua mỗi vụ, từ sản xuất 2 vụ/năm nay đã 3 vụ/năm đời sống cũng khá hơn trước. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây giá lúa bấp bênh, chi phí phân thuốc nhiều nhưng năng suất ngày một giảm do thời tiết thay đổi, khí hậu khắc nghiệt nên lợi nhuận ngày một giảm, có vụ hòa vốn hoặc lỗ.

Đầu vụ Thu Đông 2018, được lãnh đạo Hợp tác xã  Phú Xuân thông báo có cán bộ kỹ thuật thuộc dự án VnSAT ở tỉnh, huyện triển khai tập huấn và làm trình diễn để làm mẫu cho ba con vừa học và quan sát đồng ruộng theo quy trình “1 Phải 5 Giảm”. Ban đầu ông Ba Khừng cũng chưa tin mấy cháu kỹ sư trẻ này nói vì mình biết làm lúa từ khi tụi nó mới sinh ra thì làm sao giỏi hơn mình. Ông không ngại chia sẻ là mình không “chơi đẹp” ngay từ đầu vì đã chọn khuôn đất 2,3 ha xấu, năng suất hàng vụ thấp nhất để thực hiện chương trình và cũng để xem khoa học kỹ thuật mới này có gì hơn những gì nông dân như ông đã gắn bó hơn hai mươi năm trên mảnh đất này.

Như vậy vụ Thu Đông 2018, với 17 ha cùng sử dụng giống lúa OM 5451 sẽ bố trí làm 2 khuôn thí nghiệm gồm: 2,3 ha áp dụng kỹ thuật “1 Phải 5 Giảm”; 14,7 ha canh tác theo tập quán làm đối chứng. Hàng tuần cùng với cán bộ kỹ thuật lấy chỉ tiêu, theo dõi tình hình sinh trưởng, dịch hại để có biện pháp xử lý. Kết quả:

Về giống: ruộng mô hình áp dụng sạ hàng lượng giống khoảng 90 -100 kg/ha, ruộng đối chứng sạ lan lượng giống 140-150 kg/ha. Ông Ba Khừng cho biết, nông dân quan niệm sạ nhiều thóc sẽ cho nhiều bông, nhưng kết quả ngược lại. Sau sạ tiến hành đo đạc số hạt nảy mầm, sinh trưởng trên mét vuông, mô hình sạ hàng có 320 cây/m2, còn đối chứng sạ dày có 600 cây/m2. Tuy nhiên đến khi trổ số bông/m2 của mô hình và đối chứng là như nhau, khoảng 400-420 bông/m2 nhưng ruộng mô hình bông lúa nhiều hạt và chắc hạt hơn ruộng đối chứng. Lượng giống của ruộng mô hình giảm hơn so với ngoài mô hình là 50-60 kg/ha, chi phí giống trong mô hình giảm so với ngoài mô hình là 452.000 đồng/ha.

Về phân bón: Ruộng mô hình bón lót sâu (bón vùi) phân DAP trước khi làm đất lần cuối và bón theo quy trình. Ruộng đối chứng bơm phân Ami-Ami để giảm chi phí nhưng cuối cùng chi phí phân bón các loại vẫn cao hơn ruộng mô hình 889.000 đồng/ha. Ruộng của bà con xung quanh thì chi phí phân bón còn cao hơn nhiều so với mô hình. Phân bón theo quy trình bình quân chỉ 287 kg/ha phân các loại, trong khi xung quanh bà con khác bón từ 450-500 kg/ha.

Về thuốc bảo vệ thực vật (BVTV): Nhờ khuyến cáo từ mô hình nên ruộng đối chứng làm theo không phun thuốc sâu, rầy suốt vụ bằng việc bảo vệ hệ thống thiên địch kiểm soát dịch hại. Trong mô hình chỉ phun 2 lần thuốc trừ bệnh trước và sau khi lúa trổ đều, ruộng đối chứng phun đến 4 lần, nhiều bà con khác phun đến 5-6 lần/vụ. Nhờ theo chương trình nên ruộng đối chứng cũng giảm số lần phun, giúp ông tiết kiêm chi phí thuốc và công phun vụ này gần 50 triệu đồng/17 ha. Mô hình cách ly thuốc BVTV trước thu thoạch 20 ngày nên sản phẩm gạo sẽ an toàn và ông đã dám để lúa lại xay gạo ăn. Trước đây, mỗi cữ lên nước đều phun cữ thuốc, gần thu hoạch vẫn phun nên ông chẳng dám để lúa lại ăn. Quản lý nước cũng theo quy trình ướt khô xen kẽ giúp lúa sinh trưởng tốt.

Ông Ngô Văn Khừng bên mô hình trình diễn “ 1 Phải 5 Giảm”

Chi phí mô hình thấp nhưng ông Ba Khừng vẫn còn băn khoăn liệu năng suất và lợi nhuận có được đảm bảo không. Mặc dù cán bộ kỹ thuật cũng thu hoạch mẫu, quan sát bằng cảm quan ruộng lúc hội thảo nhưng ông Ba Khừng vẫn chưa tin hẳn.

Đến ngày thu hoạch, ông Ba Khừng thận trọng đếm từng bao và phân ra cân bán ghi rõ sản lượng từng lô thí nghiệm. Kết quả, ruộng mô hình đạt năng suất 5,7 tấn/ha lúa tươi, còn ruộng đối chứng chỉ 5,4 tấn/ha, trong khi một số hộ dân khác có điều kiện đất đai tốt hơn, sạ dày, chi phí cao nhưng năng suất chỉ đạt 5,0 tấn/ha.

Như vậy, giá thành sản xuất mô hình chỉ tốn 2.435 đồng/kg, thấp hơn 515 đồng/ha so với ruộng đối chứng (2.950 đồng/kg), lợi nhuận mô hình 15,8 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 3,6 triệu đồng/ha. Thế là ông Ba Khừng tuyên bố tập quán của mình đã thua mô hình và sẽ áp dụng theo kỹ thuật “1 Phải 5 Giảm” trên toàn bộ diện tích của mình. Nhiều bà con xung quanh cũng đã bị thuyết phục và dần thay đổi tập quán, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng lợi nhuận cho chính mình.

Theo ông Lê Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Xuân, việc thực hiện mô hình đã giúp nông dân thay đổi được tập quán canh tác cũ, từng bước giảm lượng giống gieo sạ, áp dụng “phun đúng, bón đủ” theo nhu cầu sinh trưởng cây lúa và tình hình dịch hại để giảm giá thành sản xuất.

Mô hình áp dụng “1 Phải 5 Giảm” trong sản xuất lúa đã trang bị cho nông dân những kiến thức, kỹ năng quản lý đồng ruộng của mình tốt hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời chứng minh việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào thực tế thật sự có hiệu quả, nông dân trong vùng có thể làm theo dễ dàng. Việc áp dụng “1 Phải 5 Giảm” trong mô hình là tiền đề góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường là mục tiêu hướng tới của Dự án VnSat.

Bình Xuyên

Trạm Khuyến nông huyện Hồng Ngự - Đồng Tháp