Các Tổ hợp tác hoạt động trên tinh thần tự nguyện theo quy chế mà Tổ tự đưa ra để các tổ viên cùng thực hiện. Điển hình như Tổ hợp tác sản xuất cam an toàn xã Tân Khánh Trung; Tổ hợp tác Chăn nuôi vịt Mỹ Hòa – Tháp Mười; Hợp tác xã DVNN Tân Cường – Phú Cường.

Tổ hợp tác sản xuất cam an toàn xã Tân Khánh Trung:

Phát triển từ 02 câu lạc bộ trồng cam của xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, ngày 04/10/2016 Tổ hợp tác sản xuất cam an toàn xã Tân Khánh Trung được hình thành. Ban đầu Tổ chỉ gồm 14 thành viên là các hộ trồng cam xoàn, cam dây với diện tích 6,75 ha do ông Nguyễn Thanh Tòng làm Tổ trưởng. Tổ hoạt động theo quy chế do Tổ tự xây dựng và các thành viên trong Tổ phải thực hiện.

Sản phẩm sản xuất đã được chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP và đã có thị trường tiêu thụ ổn định với mức giá 35.000 - 40.000 đồng/kg có lúc giá lên đến 45.000-50.000 đồng/kg

Để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường hướng tới Tổ đề nghị các ngành chức năng và địa phương hỗ trợ chứng nhận VietGAP, đăng ký nhãn hiệu, nhà kho sơ chế và địa điểm trưng bày sản phẩm.

Tổ hợp tác chăn nuôi vịt Mỹ Hòa – Tháp Mười

Được thành lập tháng 12/2015 với 13 thành viên, số lượng vịt đăng ký nuôi gọ là 30.000 con, tuy nhiên đến nay số lượng vịt nuôi gọ tăng lên đến 45.000 con.

Theo ông Lê Ngọc Mới – Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, Tổ đã liên kết với Doanh nghiệp Cỏ May cung ứng thức ăn cho vịt số lượng 200 tấn; liên kết tiêu thụ trứng với Doanh nghiệp Vĩnh Nghiệp (Vĩnh Long). Bình quân mỗi ngày các thành viên của Tổ cung cấp 12.000 trứng cho Doanh nghiệp giá dao động từ 1.800 - 2.500 đồng/trứng.

Cũng theo ông Mới cho biết để trứng được bảo quản lâu hơn và nâng cao chất lượng của trứng sắp tới Tổ sẽ đầu tư máy rửa trứng và đăng ký nhãn hiệu trứng vịt sạch để có thể đưa vào hệ thống siêu thị và liên kết tiêu thụ với các Doanh nghiệp khác. Tạo thị trường tiêu thụ ổn định để các Tổ viên yên tâm sản xuất.

Mô hình nuôi vịt gọ của ông Lê Ngọc Mới

Hợp tác xã DVNN Tân Cường – Phú Cường

Là một trong 9 Hợp tác xã tham gia mô hình Hợp tác xã kiểu mới giai đoạn 2016-2020. Hợp tác xã DVNN Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông được thành lập từ năm 2000. Hoạt động chủ yếu của Hợp tác xã là dịch vụ cung ứng như: cung ứng vật tư nông nghiệp; cung cấp nước sinh hoạt nông thôn; bơm tưới, dịch vụ tiêu thụ như: sấy, xay xát; kinh doanh lúa gạo và đầu tư vật tư nông nghiệp; sản xuất và kinh doanh lúa giống; sản xuất và chế biến gạo đặc sản (đăng ký nhãn hiệu hàng hóa); cơ khí gia công.

Năm 2012 được Ngân hàng thế giới tài trợ thực hiện Dự án cạnh tranh nông nghiệp sản xuất theo chương trình 1 phải 5 giảm, Dự án còn hỗ trợ máy gặt đập liên hợp, bộ phận trang sửa mặt bằng bằng tia lazer, lò sấy và kho chứa lúa.

Để cung cấp các loại giống lúa có chất lượng cho bà con nông dân hiện tại Hợp tác xã đang thử nghiệm 05 loại giống mới như: RVT; Đài Thơm 8, Thiên Rô 8; PC 15; TPR 225.

Theo anh Nguyễn Văn Trãi – Giám đốc Hợp tác xã cho biết cái khó hiện nay của Hợp tác xã là thiếu vốn để đầu tư sản xuất mà nguồn vốn vay ưu đãi dành cho Hợp tác xã thì rất khó tiếp cận. Mặc khác việc liên doanh liên kết trong cung ứng vật tư, chế biến và tiêu thụ sản phẩm giữa Hợp tác xã với các thành phần kinh tế khác còn nhiều hạn chế và thiếu bền vững.

Đây là một trong những mô hình mới hoạt động có hiệu quả, thiết nghĩ nếu được quan tâm đầu tư đúng mức thì ngày càng có nhiều Hợp tác xã, Tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, hoàn thành mục tiêu Đề án Tái cơ cấu Nông nghiệp của Tỉnh cũng như góp phần trong việc xây dựng nông thôn mới theo Đề án Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020./.

                                                                                           Tuyết Khương

Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Tháp