Toàn cảnh hội thảo

 

Theo thống kê, 06 tháng đầu năm 2020 toàn tỉnh đã xuống giống 391.385 ha (đạt 100,36% so với kế hoạch năm), đã thu hoạch dứt điểm, năng suất đạt 7,2 tấn/ha, sản lượng đạt 2,55 triệu tấn (năng suất tăng 0,2 tấn/ha và sản lượng cao hơn 5.535 tấn so với cùng kỳ năm 2019), giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) đạt 8.456 tỷ đồng (tăng 411 tỷ đồng so với cùng kỳ).

Giá lúa tươi tại ruộng cao hơn so với cùng kỳ từ 200 - 300 đồng/kg (lúa thường IR50404 từ 4.500 - 4.600 đồng/kg, lúa chất lượng cao từ 4.900 – 5.200 đồng/kg) và giá thành sản xuất lúa khoảng 2.909 đồng/kg (giảm 233 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2019) nên lợi nhuận bình quân ước đạt 23 triệu đồng/ha (tăng hơn 4 triệu đồng/ha so với cùng kỳ năm 2019).

Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào trong sản xuất, góp phần giảm  giá thành, nâng cao chất lượng lúa gạo và hiệu quả sản xuất.

Diện tích liên kết tiêu thụ hàng năm đạt khoảng 12% tổng sản lượng thụ hoạch (sản lượng liên kết đạt 388 nghìn tấn). Tổ chức liên kết thực hiện thông qua Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác (THT) và Hội quán. Đến nay Đồng Tháo có 67 HTX, 82 THT, 01 Hội quán và 40 công ty doanh nghiệp (trong và ngoài tỉnh) tham gia thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ lúa.

Hoạt động chế biến xay xát gạo có 264 doanh nghiệp tham gia thực hiện với sản lượng 3,2 triệu tấn, trong đó có 26 doanh nghiệp đầu tư hiện đại với dây chuyền tự động hóa, nâng cao chất lượng và số lượng ngành hàng gạo.

Phát triển các sản phẩm sau gạo và sản phẩm tinh chất ngày càng được các nhà đầu tư quan tâm đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, máy móc mở rộng phát triển. Đến nay, có 4 doanh nghiệp lớn sản xuất trên 10 chủng loại sản phẩm chế biến sau gạo (bánh phồng tôm, miến, cháo, gạo sấy, hủ tiếu, bánh phở, bún gạo, bánh gạo, bánh tráng, cốm, kẹo gạo, bột dinh dưỡng …); trên 400 cơ sở sản xuất bột gạo các loại; 26 cơ sở sản xuất củi trấu và 3 dự án đầu tư chiết suất dầu cám.

Tuy nhiên ngành hàng lúa - gạo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất nhìn chung vẫn còn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ, kỹ thuật áp dụng không đồng đều, các hình thức tổ chức liên kết trong nông dân (cánh đồng lớn, tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới…) chưa phát triển ổn định, bền vững. Chất lượng vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống) chưa được quản lý tốt; tình trạng kinh doanh vật tư chất lượng kém còn phổ biến; nông dân sử dụng vật tư trong sản xuất lúa còn lãng phí như bón thừa phân đạm, lạm dụng các loại thuốc kích thích sinh trưởng và thuốc bảo vệ thực vật làm tăng chi phí, giảm chất lượng lúa gạo và gây ô nhiễm môi trường; Tỷ lệ sử dụng giống lúa thường, chất lượng thấp (IR50404) vẫn còn cao (chiếm 29%); Sản xuất lúa gạo còn gặp nhiều rủi ro do thiên tai, hạn hán, lũ lụt; Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, chưa được đầu tư hoàn thiện, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất; hệ thống giao thông kết nối các vùng sản xuất đến đầu mối tiêu thụ, xuất khẩu chưa đáp ứng; hệ thống thông tin và kết nối thị trường rất hạn chế…

Về liên kết tiêu thụ, việc đầu tư xây dựng cánh đồng lớn phụ thuộc nhiều vào năng lực của doanh nghiệp nhất là vốn, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực; Nhiều cánh đồng lớn chưa đảm bảo đầy đủ các tiêu chí đã ban hành, xây dựng mang tính hình thức; tình trạng “phá vỡ”, không thực hiện đúng nội dung hợp đồng nhất là trong việc thu mua sản phẩm thường xảy ra và không có hướng xử lí hiệu quả; Chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên trong quá trình thực hiện liên kết hợp tác, nhất là giữa nông dân và các doanh nghiệp - trong chuỗi giá trị lúa - gạo, lợi nhuận của nông dân là thấp nhất.

Về thị trường và sản phẩm chế biến sau gạo: Rào cản kỹ thuật các nước nhập khẩu đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn đặc biệt về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đặt ra yêu cầu về truy suất nguồn gốc sản phẩm,... trong khi doanh nghiệp người dân chưa tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời để điều chỉnh trong sản xuất và kinh doanh. Chủ trương chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp” nhưng nội hàm “kinh tế” chưa được nhận thức và thực hiện đầy đủ; vấn đề giảm chi phí, tăng chất lượng và đa dạng hóa nông sản chế biến chưa được chú trọng đúng mức nên sức cạnh tranh kém, xuất khẩu thô vẫn là phổ biến, giá trị gia tăng không cao.

Để phát triển ngành hàng lúa - gạo trong thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp đã đề ra các giải pháp trong sản xuất và sau thu hoạch. Theo đó, hình thành các cánh đồng lớn, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, sử dụng giống có năng suất và chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục ứng dụng cơ giới hóa toàn diện trong sản xuất, giảm thất thoát sau thu hoạch. Mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp, tăng cường chế biến tinh, chế biến sâu các sản phẩm từ gạo, chế biến phụ phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho ngành hàng lúa gạo, xây dựng thương hiệu của lúa gạo Đồng Tháp.

Nguyễn Thị Yến

Trung tâm DV nông nghiệp và NSNT Đồng Tháp