Dự án hướng tới các mục tiêu: Nâng cao năng lực cạnh tranh của hộ chăn nuôi quy mô nhỏ về năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua áp dụng phương thức quản lý thực hành chăn nuôi tốt GAHP (Good Animal Husbandry Pratices) cùng lúc với hỗ trợ nâng cấp điều kiện vệ sinh tại các cơ sở giết mổ gia súc - gia cầm và chợ thực phẩm tươi sống để xây dựng chuỗi thực phẩm chăn nuôi sạch GPP’s (Good Production Pratices) từ trang trại đến bàn ăn. Trong đó, dự án đồng thời lồng ghép mục tiêu đào tạo nâng cao nguồn nhân lực kỹ thuật viên ngành chăn nuôi - thú y cho địa phương và xây dựng các hình thức hợp tác sản xuất để mở rộng ứng dụng GAHP và phát triển thành phần kinh tế tập thể trong chăn nuôi vào thời kỳ hậu dự án. Theo đó, xây dựng vùng phát triển GAHP được xem là một trong những hoạt động chính yếu của dự án vì là khâu sản xuất, là công đoạn mở đầu hình thành chuỗi giá trị nông sản sạch.

Vào thời điểm triển khai dự án, gần như toàn bộ các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ và trung bình ở Long An còn rất xa lạ với việc ứng dụng GAHP, nếu có thì cũng chỉ rất ít nông hộ áp dụng một vài biện pháp rời rạc trong quy trình này. Các sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng cũng hoàn toàn chưa có mối liên kết theo chuỗi với nơi thu mua, chế biến và tiêu thụ. Chính vì vậy, dự án gặp khá nhiều trở ngại trong việc chọn vùng đầu tư phát triển GAHP và tiếp cận với hộ chăn nuôi ở những ngày đầu. Không ít người dân có tâm lý chờ đợi những hỗ trợ vật chất từ dự án hơn là nhận biết lợi ích thực thụ của việc tham gia học tập và thực hành GAHP cũng như ý thức trách nhiệm về yêu cầu sản xuất nông sản đáp ứng các tiêu chí an toàn vệ sinh cho xã hội. Tuy nhiên, qua tổ chức các hoạt động truyền thông đa dạng và liên tục, dự án đã thuyết phục được các hộ chăn nuôi vùng phát triển GAHP nhận biết để chấp thuận tham gia thành lập các nhóm GAHP. Cụ thể có 38 nhóm GAHP được thành lập trong năm 2011 (30 nhóm chăn nuôi heo với tổng đàn xấp xỉ 30.000 heo thịt và heo nái, 8 nhóm chăn nuôi gà với tổng đàn khoảng 250.000 gà thịt và 60.000 gà đẻ) với 728 hộ thành viên cư ngụ tại 12 xã thuộc 4 huyện, gồm: Bình Quới, Vĩnh Công, Hòa Phú (huyện Châu Thành); Bình Lãng, Quê Mỹ Thạnh, Lạc Tấn (huyện Tân Trụ); Tân Lân, Mỹ Lệ, Tân Trạch (huyện Cần Đước) và Phước Hậu, Mỹ Lộc, Phước Lâm (huyện Cần Giuộc). 

Mỗi nhóm GAHP có số thành viên từ 14 - 25 người được tổ chức dưới hình thức tự quản theo quy chế, nội quy hoạt động được tập thể nhóm thống nhất; trong đó, ngoài các dịp tập hợp tham gia các lớp huấn luyện, hội thảo, tham quan do dự án tổ chức để hướng dẫn các hộ thành viên về công tác tổ chức nhóm và cách áp dụng các biện pháp quản lý chăn nuôi theo GAHP, nhóm duy trì sinh hoạt định kỳ hàng tháng và đột xuất để triển khai các hoạt động chung, cùng nhau giám sát, đánh giá, hỗ trợ trong việc thực hành các nội dung đã được hướng dẫn vào sản xuất cụ thể của gia đình các thành viên.

Sinh hoạt định kỳ hàng tháng tại các nhóm GAHP

Theo tiến trình hoạt động nêu trên, từng biện pháp của GAHP đã được chuyển giao vào hoạt động chăn nuôi của các thành viên. Mặc dù kết quả áp dụng của các nhóm và từng hộ trong thời gian đầu chưa đạt được sự đồng đều do phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố về nhận thức của người dân và điều kiện về vốn, cơ sở vật chất, lao động, tay nghề,… giữa các nhóm, các hộ có khác nhau. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, nhiều thời điểm giá heo thịt, gà thịt, trứng gà trên thị trường giảm thấp ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh tế của các thành viên. Tuy vậy, mục tiêu xây dựng vùng chăn nuôi áp dụng GAHP và phát triển mối liên kết hợp tác sản xuất giữa người cùng ngành nghề của dự án cũng đã đạt được những kết quả rất tích cực.

Vào năm 2013, sau hơn 1 năm nhóm đi vào hoạt động đã có 100 hộ qua khảo sát thực địa nơi chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận hộ chăn nuôi đạt chuẩn GAHP (13,73% tổng số hộ thành viên); năm 2014 số hộ đạt chứng nhận tăng mạnh, đạt 546 (76,04% tổng số hộ thành viên) và năm 2015 là 647 hộ (88,87% tổng số hộ thành viên). Sang năm 2016, yêu cầu khảo sát cấp chứng nhận GAHP không thực hiện trên hộ riêng lẻ mà nâng cấp lên mức chứng nhận theo tập thể nhóm với yêu cầu 100% hộ thành viên của nhóm phải đạt GAHP. Kết quả đã có 20/38 nhóm được cấp chứng nhận GAHP tập thể; đồng thời năm 2016 có thể xem như cột mốc đáng nhớ về sự tiến triển trong công tác tổ chức nhóm theo mục tiêu phát triển hình thức kinh tế hợp tác với việc ra đời của Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi Kim Kê Phát gồm 40 xã viên là các hộ thành viên của 2 nhóm GAHP chăn nuôi gà ở xã Phước Hậu ,huyện Cần Giuộc trước đó và sang năm 2017 có thêm HTX Chăn nuôi gà Tân Mỹ ở huyện Cần Đước, HTX sản xuất và dịch vụ chăn nuôi Mỹ Lộc ở huyện Cần Giuộc được thành lập cùng 26 Tổ hợp tác (THT) Chăn nuôi heo ở 4 huyện vùng dự án. Điểm đáng ghi nhận thêm là trong suốt thời gian hoạt động, 100% hộ thành viên các nhóm thực hiện đúng và đầy đủ quy trình tiêm vắc-xin, định kỳ sát trùng khu vực chăn nuôi theo khuyến cáo nên hầu như toàn bộ đàn heo, gà của các nhóm GAHP không gặp thiệt hại do dịch bệnh trong bối cảnh chung ở Long An vẫn còn những ổ dịch lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả trên heo, cúm gia cầm trên gà xuất hiện ở các địa phương ngoài vùng.

Nhiều hộ chăn nuôi đầu tư xây dựng chuồng trại và trang thiết bị như một trang trại thu nhỏ

Kết quả đạt được như trên là minh chứng cụ thể về sự tiến triển trong nhận thức và thực hành của đông đảo hộ thành viên các nhóm GAHP. Từ hiệu quả đạt được trong thực tế, các nhóm đã thu hút hơn 40 hộ chăn nuôi có nguyện vọng gia nhập dù các hộ này biết rõ họ không được hưởng một số quyền lợi về hỗ trợ phương tiện sản xuất như các hộ thành viên ban đầu. Bên cạnh đó, nhằm nhân rộng ứng dụng phương thức quản lý chăn nuôi theo GAHP dự án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn và tham quan thực tế mô hình chăn nuôi tại các nhóm GAHP cho đông đảo các hộ chăn nuôi ở các xã, huyện ngoài vùng dự án; trong đó chính quyền các địa phương tại huyện Tân Trụ, Cần Đước, Thủ Thừa đã hỗ trợ tổ chức các nhóm hộ chăn nuôi sinh hoạt theo mô hình nhóm GAHP của dự án.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa ổn định, tuy nhiên hầu hết sản phẩm gà hơi, heo hơi của HTX, THT, nhóm GAHP đều được thu mua, chuyển đến các lò giết mổ gia súc - gia cầm và bán buôn tại các chợ thực phẩm tươi sống được dự án LIFSAP hỗ trợ nâng cấp điều kiện vệ sinh là kết quả tích cực đạt được của dự án trong mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm có nguồn gốc chăn nuôi. Bên cạnh đó, một số HTX và THT cũng đã tiếp cận thị trường dưới hình thức ký kết hợp đồng kinh tế trực tiếp với nơi tiêu thụ như HTX Kim Kê Phát, HTX Tân Mỹ hay như một số THT chăn nuôi heo ở huyện Châu Thành đã được đối tác tin cậy mua sản phẩm ổn định để tiêu thụ tại bếp ăn tập thể của các xí nghiệp, trường học ở thành phố Tân An.

Dự án LIFSAP đã vào thời điểm kết thúc và có thể nói với kết quả đạt được trong thực tế, dự án đã hoàn thành vai trò tiên phong trong việc đưa GAHP vào sản xuất chăn nuôi và xây dựng mô hình chuỗi giá trị sản phẩm sạch GPP’s ở Long An. Đây là một kết quả rất quan trọng và cũng là những điều kiện cần thiết, kinh nghiệm quý báu cho các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển ứng dụng quy trình thực hành sản xuất tốt trong chăn nuôi nói riêng và trong nông nghiệp nói chung ở Long An vào những năm sau này./.

Lương Lễ Dũng

Trung tâm Khuyến nông Long An