Cụ thể: Cơ cấu nội ngành chuyển dịch nhanh theo hướng tăng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi với các con nuôi chủ lực như lợn, gà, vịt. Riêng trong trồng trọt đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng đưa các cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, có năng suất, chất lượng tốt để đưa vào sản xuất. Công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp đã được quan tâm. Đã hình thành  lên các khu chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tập trung xa khu dân cư để đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhiều mô hình trong sản xuất nông nghiệp đã được triển khai tổ chức thực hiện đạt hiệu quả kinh tế như: mô hình rau hữu cơ, mô hình cơ giới hoá, mô hình cánh đồng mẫu. Trong đó đặc biệt một số mô hình chuyển đổi cây ăn quả như bưởi, cam, ổi đã được nhân dân thực hiện trên diện tích đất màu, vùng sản xuất đa canh.

Từ năm 2001, sau khi Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ được ban hành, nhiều diện tích đã được chuyển đổi thành vườn cây ăn quả đặc sản ở chân đất màu cao, giúp tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện hiện nay đạt trên 800ha, chủ yếu là trồng bưởi, cam, ổi, chuối, nhãn. Phần lớn diện tích cây ăn quả nằm trong khu dân cư, trên đất vườn của các hộ gia đình, đất bãi màu, trong đó diện tích trồng cây ăn quả đã được chuyển đổi từ đất trồng cây hàng năm có khoảng 173ha.

Hiện nay, huyện Duy Tiên có các vùng chuyển đổi trồng cây ăn quả, đó là vùng trồng cam, trồng ổi xã Trác Văn (31ha); vùng trồng cam, bưởi thôn Từ Đài - Chuyên Ngoại (11ha); các vùng trồng cây ăn quả khác tại Mộc Bắc, Yên Nam, thị trấn Hoà Mạc…. Điển hình vùng trồng bưởi thôn Du My - xã Châu Giang, nơi đây ban đầu trồng nhãn, từ năm 2004 bắt đầu chuyển sang trồng bưởi Phúc Trạch, sau đó trồng bưởi Diễn, bưởi thồ với tổng diện tích 50ha.

Vùng chuyển đổi chuyên trồng cây bưởi Diễn ở thôn Du My, xã Châu Giang, huyện Duy Tiên

Được biết các cây ăn quả ở đây cho hiệu quả kinh tế khá cao. Đối với cây bưởi Diễn, giá trị sản lượng thời kỳ thu hoạch chính đạt trên 600-800 triệu đồng/ha/năm; một số diện tích trồng lâu năm cho thu trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Giá trị sản lượng cây cam bình quân đạt từ 500-600 triệu đồng/ha/năm. Giá trị sản lượng bình quân cây ổi đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm.

Bên cạnh việc chuyển đổi trồng cây ăn quả, huyện còn được tỉnh quan tâm quy hoạch 2 khu nuôi trồng thuỷ sản tập trung tại xã Mộc Bắc, Mộc Nam. Huyện cũng đã xây dựng, thực hiện Đề án tích tụ, tập trung ruộng đất, hướng dẫn các địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang sản xuất lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản, với tổng diện tích trên 60ha, cho thu nhập cao gấp 2,5 lần so với trồng 2 vụ lúa.

Để có được những kết quả như trên là nhờ có sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt trong việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi. Huyện đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng đô thị Duy Tiên rà soát các vùng để quy hoạch chuyển đổi. Đồng thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị, xây dựng các Đề án, kế hoạch, trong đó đã đề ra các phương hướng, mục tiêu và giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện. Tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách về sản xuất nông nghiệp, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bằng nhiều hình thức: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lồng ghép trong các hội nghị, trực tiếp gặp gỡ trao đổi để vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, tự nguyện tham gia. Quán triệt sâu sắc đến toàn thể cán bộ, đảng viên, thôn xóm để đảm bảo có sự thống nhất và quyết tâm. Tổ chức họp dân tại các vùng quy hoạch, vận động các hộ không có nhu cầu cho các hộ có nhu cầu thuê ruộng, hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc cùng liên kết tổ chức sản xuất. Không những vậy, huyện còn quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đúng quy định, đảm bảo xây dựng các vùng chuyển đổi có quy mô lớn, hiệu quả cao. Làm tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, chỉ cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vùng quy hoạch. Rà soát cụ thể từng vùng, xác định đối tượng cây trồng, loại hình chuyển đổi phù hợp để hướng dẫn nhân dân thực hiện.

Đất đai thổ nhưỡng của huyện Duy Tiên vẫn còn nhiều diện tích là đất thịt nhẹ, rất phù hợp với việc trồng cây ăn quả, lại thêm giá cả đầu ra cho sản phẩm tương đối ổn định nên huyện vẫn tiếp tục định hướng quy hoạch chuyển đổi một số vùng đất trồng cây hàng năm sang trồng cây ăn quả. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là giải pháp quan trọng có tính chất then chốt trong quá trình tổ chức sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Mai Huê

Trung tâm Khuyến nông Hà Nam