Do đó, nông nghiệp của tỉnh đã phát triển tương đối khá, an ninh lương thực được đảm bảo, sản xuất chuyển dịch theo hướng hàng hóa, bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu tập trung; một số sản phẩm sản xuất và chế biến nông sản như: cam, chè, sữa tươi… đã xây dựng được nhãn hiệu, đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường. Sản phẩm cam sành Hàm Yên được vinh danh vào Top “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2015”

Trong bối cảnh đất nước hội nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Hiệp định thương mại tự do (FTA) tình hình giao thương quốc tế tăng mạnh, đặc biệt là nhu cầu lương thực, nông sản tăng cao ở một số quốc gia, diện tích canh tác nông nghiệp của một số nước phát triển bị thu hẹp. Đây là cơ hội cho phát triển nông nghiệp hướng đến thị trường quốc tế nhưng cũng đòi hỏi sản xuất nông nghiệp của tỉnh phải chuyển đổi theo xu thế, yêu cầu mới của thị trường trong nước và quốc tế (giá thành sản xuất và chất lượng sản phẩm).

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 769 ha chè được cấp chứng nhận Rainforest (Tiêu chuẩn Nông nghiệp Bền vững); 13 mô hình sản xuất VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của Việt Nam) với tổng diện tích là 153,74 ha; trang trại Bò sữa Tuyên Quang được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu); 25 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có thương hiệu nhãn hiệu.

Con số trên còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh. Phát triển nông nghiệp của tỉnh chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn vẫn còn phổ biến; khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp, chưa có sự gắn kết bền chặt giữa sản xuất với tiêu thụ, dẫn đến thu nhập của người nông dân còn thấp, chưa ổn định, dễ bị rủi ro do thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường.

Tổ chức sản xuất là khâu khá hạn chế, liên kết sản xuất giữa người nông dân với doanh nghiệp còn thiếu bền vững. Việc nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả vào sản xuất còn ít. Sự chuyển biến, thay đổi nhận thức về cơ chế thị trường đối với nông nghiệp hàng hóa, tư duy về sản xuất hàng hóa vẫn còn chậm. Để tìm hiểu về mô hình tổ chức sản xuất tập trung có hiệu quả trên địa bàn tỉnh hiện nay chúng tôi đã đến công ty CP chè Mỹ Lâm.

Ông Lê Quang Chuyền – Phó giám đốc Công ty Chè Mỹ Lâm chia sẻ, từ năm 2016, công ty đưa vào thí điểm quản lý sản xuất phát triển chè bền vững trên cơ sở sản xuất tập trung – đổi mới cấu trúc liên kết chuỗi giá trị với hình thức là: Công ty khoán công việc hoàn thành, nhà máy trả lương cho hộ khoán trên cơ sở ngay từ đầu năm công ty cùng bà con thống nhấtn định giá từng đồi chè. Sau đó, mọi dịch vụ từ làm cỏ, thu hái, cắt tỉa, đặc biệt là phun thuốc BVTV đều do người của công ty thực hiện và công ty trả lương thông qua các tổ đội sản xuất. Các hộ khoán thực hiện công việc: làm phân hữu cơ, bón phân hữu cơ, vô cơ, làm cỏ, trồng cây bóng mát, chăm sóc, và bảo vệ vườn chè, giám sát, nghiệm thu cho các tổ dịch vụ. Bên cạnh đó, mọi vật tư về phân bón, thuốc BVTV, máy móc, bao bì… đều do phía công ty cung ứng 100%. Qua đó, hộ khoán sẽ nhận lương tháng theo lứa hái trên cơ sở phân loại sản lượng vườn chè (A, B, C) hàng năm x diện tích x hệ số giống chè và mức độ hoàn thành công việc được phân công trong tháng.Để đánh giá cụ thể về hiệu quả của cấu trúc sản xuất mới của mô hình đang thực hiện tại công ty CP chè Mỹ Lâm. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành khảo sát phỏng vấn trực tiếp 15 hộ tham gia mô hình liên kết sản xuất chè tập trung, các hộ được khảo sát đều đánh giá mô hình rất tốt.

Gia đình chị Nguyễn Thị Duyên ở xã Kim Phú, huyện Yên Sơn Tỉnh Tuyên Quang thuộc đội 17 đội sản xuất của công ty CP Chè Mỹ Lâm chia sẻ, với 7100 m2 được công ty đầu tư toàn bộ phân bón, thuốc BVTV, thu hái…, một tháng gia đình chỉ mất khoảng 10 ngày để làm các công việc trên vườn chè. Thu nhập của gia đình được 50 triệu/6 tháng áp dụng cho 6 lứa hái. Thu nhập tăng khoảng 40-50% so với khi chưa vào cấu trúc sản xuất mới thí điểm của công ty.

Chị Duyên cũng chia sẻ thêm khi tham gia vào mô hình liên kết sản xuất của công ty, hộ nhận khoán và người dân làm chè không phải trực tiếp phun thuốc BVTV, đảm bảo sức khỏe; vệ sinh môi trường sạch sẽ, không còn tình trạng vỏ chai, vỏ túi thuốc BVTV vứt bừa bãi ở các lô chè; Tăng chất lượng sản phẩm chè và giá thu mua cao, ổn định tăng thu nhập cho hộ sản xuất (giá bán bình quân tại thị trường là 3.800 - 4.000 đồng/kg búp tưới; công ty thu mua giá bình quân 5.000 đồng/kg búp tươi).

Vườn chè của gia đình chị Nguyễn Thị Duyên, thuộc đội 17 đội sản xuất của Công ty CP Chè Mỹ Lâm

Ông Lê Quang Chuyền cũng cho biết thêm khi thực hiện liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp theo cấu trúc sản xuất mới cũng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: Tăng chất lượng sản phẩm chè đảm bảo tiêu chuẩn của EU, thị trường mở rộng và có nhu cầu ổn định, giảm 50% tác động đến môi trường trong nông nghiệp, xây dựng được tính cộng đồng, đoàn kết và tác phong công nghiệp, chuyên nghiệp, quy mô sản xuất hàng hóa tập trung cho người nông dân mang lại lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp. Đến nay công ty đã thực hiện mô hình liên kết trên diện tích 150 ha của 250 hộ nhận khoán tại 6 đội sản xuất và dự kiến đến hết năm 2018 công ty mở rộng ra toàn diện tích chè của công ty và vùng dân địa phương với diện tích khoảng trên 400 ha.

Ông Chuyền cũng cho biết thêm: “Một tin vui mới đến với Công ty CP chè Mỹ Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang vừa ký phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án trồng mới, trồng lại chè năng suất cao của công ty cổ phần chè Mỹ Lâm với tổng diện tích là 250 ha. Dự án triển khai sẽ thay thế vườn chè có năng suất thấp, già cỗi bằng giống mới tạo vùng nguyên liệu chè chất lượng tốt, năng suất cao, cung ứng cho nhà máy chế biến sản phẩm các loại chè đen, chè xanh chất lượng cao xuất khẩu”.Có thể thấy rằng mô hình liên kết sản của Công ty chè Mỹ Lâm có một tiếng vang, một điểm sáng về mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh Tuyên Quang, mô hình đã được được nhiều lãnh đạo tỉnh và Trung ương đến thăm và đánh giá cao.

Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả và bền vững cần có giải pháp cụ thể.

Ông Nguyễn Văn Việt - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết trong thời gian tới Sở tập trung chỉ đạo, trên cơ sở đánh giá hiệu quả mô hình liên kết sản xuất của Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm để nhân ra diện rộng trong sản xuất. Hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất chè, các địa phương thành lập tổ dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật. Khi nhân rộng mô hình tùy từng quy mô sản xuất mà linh hoạt áp dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ sở sản xuất, để mang lại hiệu quả cho nông dân và doanh nghiệp. Tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các nhà hàng, khách sạn, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Chỉ đạo thực hiện công việc nhiệm vụ trọng tâm của Sở để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.

Cuối cùng xin trích lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”, mà phải có nhiều cánh én, nhiều con sếu đầu đàn. Kinh tế hộ nhỏ lẻ không thể cạnh tranh với cơ chế thị trường mà mỗi cấp ủy chính quyền địa phương cần đổi mới tư duy, khuyến khích nông dân hợp tác đầu tư với doanh nghiệp để chúng ta cùng chiến thắng.

Đào Thị Hà Thu

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang