Để triển khai kế hoạch năm 2019, ngày 22 tháng 2 năm 2019 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Diễn đàn “Ngành Công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản 2018 - Thành công, bài học kinh nghiệp; Giải pháp bứt phá năm 2019”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị cùng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTN Nguyễn Xuân Cường.

Năm 2018, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt kim ngạch xuất khẩu 9,382 tỷ USD, chiếm 23% kim ngạch xuất khẩu Ngành Nông nghiệp và đóng góp một phần không nhỏ vào sự tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của đất nước. Một số kết quả nổi bật của Ngành được đánh giá là: Năng lực chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản có sự tăng trưởng về quy mô, số lượng và chất lượng, hiệu quả. Số doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu trên 1.800 doanh nghiệp trong tổng số 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Ứng dụng nhiều công nghệ mới vào sản xuất, trong đó nhiều máy móc thiết bị được nghiên cứu và sản xuất trong nước làm giảm giá thành sản phẩm, tăng chất lượng mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Chất lượng nguồn lao động trong ngành chế biến gỗ và lâm sản tăng về số lượng và chất lượng, hiện cả nước có khoảng 500 nghìn lao động trong ngành, trong đó 55-60% được đào tạo và việc làm ổn định. Thị trường xuất khẩu được mở rộng ở hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, uy tín sản phẩm gỗ Việt Nam từng bước được khẳng định trên thị trường quốc tế. Nguồn nguyên liệu gỗ cho chế biến phần lớn được cung cấp từ rừng trồng trong nước đã hạn chế việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu.

Tuy vậy, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản cũng đang đối mặt với những khó khăn thách thức như: hiện nay trồng rừng gỗ nhỏ là chủ yếu, khai thác sớm, chất lượng gỗ thấp nên thiếu chủ động nguồn nguyên liệu cho chế biến; thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với người trồng rừng; nhiều quốc gia bảo hộ trong nước bằng các rào cản kỹ thuật gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu; yêu cầu quản lý chặt nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cũng là thách thức với công tác quản lý nhà nước.

Tham luận tại Diễn đàn, ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cũng cho rằng, bên cạnh những thuận lợi khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VAP/FLEGT) thì Việt Nam cũng gặp khó khăn khi dòng thuế nhập khẩu sẽ bị cắt giảm nên đồ gỗ của ta sẽ phải cạnh tranh với đồ gỗ của các quốc gia CPTPP ở cả thị trường trong nước và nước ngoài. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp phải cải cách quản trị, đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn (ảnh: TTXVN)

Kế hoạch toàn ngành năm 2019 là tăng giá trị xuất khẩu thêm 1,5-1,7 tỷ USD so với 2018 để đạt tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 10,8-11 tỷ USD, trong đó sản phẩm đồ gỗ đạt 7,6-7,8 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu đó, một số giải pháp đã được đưa ra đối với ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản là:

- Về văn bản quy phạm pháp luật: Nghiên cứu đề xuất ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành chế biến gỗ và lâm sản. Đồng thời tiếp tục tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, thực thi hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các văn bản thi hành Luật. Tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định 38/2016/QĐ-TTg và quyết định 886/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.

- Về sản xuất: Đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản khoảng 45 triệu m3, trong đó nguyên liệu cho chế biến gỗ xuất khẩu khoảng 38 triệu m3.

- Các doanh nghiệp và các hiệp hội cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới thiết bị sản xuất, mẫu mã sản phẩm, duy trì tăng trưởng ổn định thị trường hiện có và tìm kiếm thị trường tiềm năng.

- Về Tổ chức sản xuất: Rút kinh nghiệm để hoàn thiện và nhân rộng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng rừng nhằm chủ động nguồn nguyên liệu gỗ cho chế biến và nâng cao thu nhập cho người trồng rừng.

- Tiếp tục quan tâm phát triển nguồn nhân lực cho ngành chế biến gỗ và lâm sản.

TS. Trần Văn Khởi

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia