Q. Giám đốc TTKNQG Trần Văn Khởi phát biểu tại Diễn đàn

Báo cáo đề dẫn tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Duy Lượng  -  Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, kinh tế trang trại là một trong các hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến trong nông nghiệp. Kinh tế trang trại đã khơi dậy tiềm năng trong dân cư để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất hàng hóa, thúc đẩy áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân, góp phần tạo ra các vùng sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp hàng hóa tập trung, làm tăng khối lượng và giá trị hàng hóa.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, cả nước hiện nay có 29.600 trang trại, trong đó có 29,83% trang trại trồng trọt; 37,20% trang trại chăn nuôi; 17,86% trang trại thủy sản; 13,66% trang trại tổng hợp và 1,46% trang trại lâm nghiệp... Các mô hình trang trại được phân bố đều khắp cả nước. Đã có nhiều mô hình trang trại phát huy được lợi thế của vùng, địa phương hiệu quả cho thu nhập cao, doanh thu từ 1 - 3 tỷ đồng/năm.

Các địa phương đã ban hành những chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế trang trại như đầu tư cơ sở hạ tầng và khoa học kỹ thuật; thực hiện việc dồn điền, đổi thửa, khắc phục tình trạng manh mún đất đai trong nông nghiệp; hướng dẫn và tạo điều kiện cho các trang trại chuyển đổi, chuyển nhượng đất đai để trang trại có diện tích đủ lớn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ năm 2000, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP về kinh tế trang trại. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ vốn, khoa học - công nghệ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng kết cấu hạ tầng, khuyến khích phát triển và bảo hộ kinh tế trang trại, đặc biệt khuyến khích việc đầu tư khai thác và sử dụng có hiệu quả đất trống, đồi núi trọc để sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng chuyên canh với tỷ lệ hàng hoá cao. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn xác định tiêu chí kinh tế trang trại (Thông tư số 27/2011/TT-BNN&PTNT).

Tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Minh Quang - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên cho biết, về phát triển kinh tế trang trại, ngay từ khi tái lập tỉnh năm 1997, tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên rất quan tâm chú trọng chuyển đổi để phát kinh tế trang trại. Từ năm 2002, tỉnh đã ban hành nhiều quyết định, quy định, cũng như các chính sách về việc  chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Đến nay, tỉnh đã chuyển đổi 7.659 hec ta từ đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây hàng năm kết hợp chăn nuôi cho hiệu quả cao từ  3 đến 5 lần so với trồng lúa.

Đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên có 865 mô hình kinh tế trang trại, năm 2015 có 726 trang trại, tăng 19,1% (trong đó trang trại trồng trọt chiếm 3,12%, chủ yếu các trang trại chăn nuôi là chính đạt 87,4%, nuôi trồng thủy sản chiếm 7,63%). Tổng giá trị sản phẩm hàng hóa của trang trại đạt 2.158 tỷ đồng, bình quân mỗi trang trại đạt giá trị khoảng 2,5 tỷ đồng. Đồng chí nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất trong phát triển kinh tế trang trại của tỉnh Hưng Yên hiện nay là kinh tế trang trại nhiều huyện còn mang tính tự phát; chưa theo quy hoạch vùng về phát triển kinh tế trang trại và gây khó khăn trong công tác quản lý dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái nhất là với các trang trại chăn nuôi; cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; đa phần các trang trại thiếu vốn đầu tư sản xuất…

Các đại biểu tham quan mô hình trồng nhãn tại hộ ông Bùi Xuân Tám, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên

Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến cho thấy phát triển kinh tế trang trại hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn: Giá trị sản xuất hàng hóa bình quân một trang trại tương đối lớn (trung bình 2 tỷ đồng/trang trại) nhưng số có thu nhập cao chỉ tập trung ở một số loại hình trang trại chăn nuôi, thủy sản còn các loại hình trang trại trồng trọt, lâm nghiệp, kinh doanh tổng hợp giá trị sản xuất thấp, do chất lượng sản phẩm chưa cao, sản phẩm bán ra chủ yếu dưới dạng thô hoặc tươi sống, chưa qua chế biến nên giá bán thấp, sức cạnh tranh yếu. Phần lớn chủ trang trại hiện nay còn thiếu thông tin về thị trường, khoa học kỹ thuật và quản lý nên sản xuất thụ động. Số lượng trang trại ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến bảo quản còn hạn chế mới chỉ tập trung ở một số lĩnh vực và khu vực nhất định. Sản xuất của các trang trại chưa thật sự bền vững, phần lớn chất lượng sản phẩm chưa được quản lý chặt chẽ.

Đại diện chủ trang trại tỉnh Hưng Yên chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây nhãn tại Diễn đàn

Kết luận Diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi  - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh:

Kinh tế trang trang trại là một loại hình sản xuất tiên tiến trong nông nghiệp, tầm cao của sản xuất nông hộ mang tính hàng hóa cao vơi quy mô rộng, có điều kiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất nên đã cho năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế cao hơn. Kinh tế trang trại là mũi nhọn đang đóng góp rất lớn vào giá trị sản xuất nông nghiệp của mỗi địa phương, mang ý nghĩa kinh tế, xã hội.

Sản xuất trang trại rất đa dạng về loại hình như chuyên về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản hay sản xuất hỗn hợp trên cơ sở tận dụng điều kiện thuận lợi về xã hội, đất đai, khí hậu từng vùng để khai thác tốt nhất tiềm năng của mỗi vùng, địa phương. Hiện nay, với khoảng 30.000 trang trại trên cả nước là những điểm sáng về phương thức và kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, là mô hình để sản xuất nông hộ tham khảo, học tập làm theo.   

Một số giải pháp để thúc đẩy kinh tế trang trại trong thời gian tới bao gồm:

- Khuyến khích tích tụ ruộng đất, nâng cao quy mô sản xuất, hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ có cơ hội xây dựng trang trại sản xuất lớn;

- Đẩy nhanh tiến trình công nghệ trang trại từ chính quyền các địa phương để các trang trại có đủ điều kiện để vay vốn sản xuất với lãi suất thấp, hưởng các chính sách về đất đai, thuế…

- Xây dựng và thực thi tốt các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, nhất là việc tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài trang trại, bảo hiểm sản xuất, hỗ trợ khi gặp thiên tai, dịch bệnh;

- Thông tin tuyên truyền để phổ biến, giới thiệu, tuyên truyền những gương trang trại điển hình. Tạo điều kiện cho chủ trang trại được tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất mới vào sản xuất trang trại;

- Hệ thống khuyến nông tăng cường mở các lớp tập huấn cho chủ trang trại để nâng cao kiến thức khoa học công nghệ, năng lực quản trị trang trại, xúc tiến thương mại;

- Tăng cường quản lý Nhà nước đối với kinh tế trang trại ở cấp huyện như: cấp giấy chứng nhận trang trại, tìm kiếm thị trường nông sản, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, quy hoạch vùng sản xuất trang trại, đề xuất chính sách khuyến khích trang trại phát triển. Khuyến khích thành lập hợp tác xã kiểu mới, mà các thành viên là chủ trang trại cùng nhóm sản phẩm để nâng cao hiệu quả.

Đề xuất, Chính phủ ban hành sớm một Nghị định về kinh tế trang trại, làm cơ sở xây dựng các chính sách cho trang trại.

Đề nghị, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh có kế hoạch tiếp cận và hỗ trợ kinh tế trang trại mạnh hơn nữa. Đặc biệt, đề xuất mở các lớp tập huấn, tư vấn cho chủ trang trại về kỹ thuật sản xuất cây con trong trang trại, kiến thức về quản lý hoạch toán kinh tế, quản lý môi trường, xúc tiến thương mại cho sản xuất trang trại. Tuyên dương, khuyến cáo những trang trại điển hình để nhân rộng.

Hiệp hội trang trại, Hội làm vườn ở các tỉnh, thành phố thể hiện hơn nữa vai trò của mình trong việc đề xuất với địa phương để tháo gỡ những khó khăn của các trang trại trên địa bàn như: các vấn đề về đất đai, vay vốn lãi suất thấp, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên, tham quan học tập, tìm kiếm thị trường nông sản, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm trong trang trại.

Diễn đàn có sự tham gia của 180 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ khuyến nông, chủ trang trại, và bà con nông dân đến từ 16 tỉnh: Hưng Yên, Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. Các đại biểu tham dự đã nghe 5 tham luận, báo cáo. Ban cố vấn trả lời trực tiếp trên 20 câu hỏi của các đại biểu tại diễn đàn.

 

Các đại biểu tham quan mô hình thủy sản tại Hợp tác xã Hạ Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên

 

Đỗ Tuấn - Thúy Hiên