Với mục tiêu giúp nhà nông yên tâm sản xuất, cải thiện thu nhập, tiếp cận các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, hiệu quả để có thể tự ứng phó với các điều kiện bất lợi do trong thực tế sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền thực hiện Chương trình Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Chương trình được triển khai trong vụ hè thu 2016, bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10 tại 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Mỗi tỉnh chọn 5 nông dân thực hiện mô hình với diện tích canh tác 0,5 ha/hộ. Với 13 tỉnh/thành đã có 65 nông dân với tổng diện tích thực hiện mô hình là 32,5ha. Tất cả các mô hình phải có đối chứng với điều kiện sản xuất tương đồng để so sánh hiệu quả.

Ngày 17/10/2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền tổ chức Hội thảo tổng kết Chương trình canh tác lúa thông minh ứng phó biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, với sự tham gia của 65 nông dân tham gia mô hình, cán bộ khuyến nông của 13 tỉnh/thành phố trong vùng. Theo báo cáo tổng kết của Ban tổ chức cho thấy, lượng giống gieo sạ trong mô hình dao động từ 74-82kg/ha, trong khi đó ruộng đối chứng của nông dân từ 104-200kg/ha; giảm lượng phân bón, giảm cao nhất là lượng đạm và lân, hầu hết các ruộng đối chứng đều bón phân đạm trong vụ hè thu hơn 100kg/ha. Tất cả các mô hình tại 13 tỉnh, thành năng suất mô hình đều đạt cao hơn so với năng suất ruộng đối chứng từ 200-1.000kg/ha.

Toàn cảnh hội thảo

Theo đánh giá của trung tâm khuyến nông các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, tất cả các mô hình đều đạt được kết quả tốt. Các kết quả này đã được báo cáo trong các buổi hội thảo tổng kết mô hình tại từng địa phương và được đông đảo bà con nông dân đồng tình. Từ đó, những phương thức sản xuất mới đã được nông dân tiếp thu và sẽ áp dụng vào sản xuất cho cá nhân mình trong các vụ lúa sắp tới.

Nông dân Từ Bá Đạt (xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), chia sẻ: Việc giảm được lượng hạt giống gieo sạ đem lại lợi ích lớn mà trước đây theo thói quen canh tác cũ nông dân chưa biết được. Do giảm giống kết hợp giảm phân bón, nhất là phân đạm nên cây lúa phát triển rất khỏe mạnh, ít sâu bệnh, từ đó chi phí sản xuất hạ xuống đáng kể. Từ hiệu quả mô hình này, đông đảo nông dân thực hiện đã thay đổi được thói quen canh tác lạc hậu trước đây.

“Điều tôi tâm đắc nhất khi thực hiện mô hình là việc sử dụng phân mặn phèn để bón lót trước khi làm đất lần cuối để sạ, mang lại hiệu quả rất cao. Từ việc áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, lợi nhuận từ mô hình mang lại cao hơn ruộng đối chứng khoảng 5 triệu đồng/ha, đạt khoảng 20 triệu đồng/ha, chưa từng có ở các vụ hè thu trước đây” ­- nông dân Lê Tuấn Kiệt (xã Phong Tân, thị xã Giá Gai, tỉnh Bạc Liêu), bộc bạch.

Nông dân Lê Tuấn Kiệt chia sẻ tại hội thảo

Theo các nhà khoa học, năng suất trung bình từ 13 mô hình đạt khoảng 6 tấn/ha, lợi nhuận trung bình đạt từ 2.800-2.900 đồng/kg, còn tại các ruộng đối chứng là khoảng 2.400 đồng/kg lúa.

Tham gia chương trình, các nông dân được tập huấn trên giảng đường, hướng dẫn kỹ thuật tại đồng ruộng bởi các nhà khoa học đầu ngành về nông nghiệp giúp cho nông dân dễ nắm bắt.

PGS.TS Mai Thành Phụng, thành viên Ban cố vấn chương trình, nhận xét: “Chính người nông dân đã ứng phó tốt, thực hiện hầu như trọn gói các giải pháp kỹ thuật đặt ra, còn tất cá các bên chỉ là hỗ trợ, chương trình đã giúp nông dân trở thành chuyên gia ngay trên đồng ruộng của mình. Khi nông dân tin tưởng vào mô hình thì chắc chắn họ sẽ thực hiện thành công. Qua chương trình này tôi hy vọng các bên sẽ tiếp tục sát cánh cùng nông dân, 65 nông dân tham gia mô hình sẽ làm nòng cốt giúp phổ biến, nhân rộng mô hình”. Chương trình có sự đồng hành của các đơn vị truyền thông trung ương và địa phương truyền tải các kiến thức đã chuyển giao đến đông đảo bà con nông dân trong vùng.

Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học cho rằng, ngoài mục tiêu tăng lợi nhuận cao cho nông dân, thì điều đáng mừng là mô hình đã giúp nông dân bước đầu tự giác thực hiện các gói kỹ thuật tiên tiến mà trước đây họ chưa từng thực hiện, đồng thời mong muốn tiếp tục thực hiện ở các vụ sau.

TS. Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhấn mạnh: “Tôi đánh giá cao sự tích cực của các nông dân tham gia mô hình, có được kết quả như vậy phải kế đến sự cố gắng hết mình của đông đảo nông dân và các nhà khoa học luôn theo sát. Tôi mong rằng trong tương lai, các địa phương sẽ tiếp tục nêu cao kỹ năng sản xuất lúa, thậm chí là những kỹ năng khác biệt so với thói quen cũ, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ sức khỏe và môi trường tốt hơn. Tiếp tục tuyên truyền cho nhiều hộ nông dân khác cùng làm theo, để có thể ứng phó với những điều kiện bất lợi trong canh tác, giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất”.

Nhằm tôn vinh những nông dân sản xuất giỏi tham gia Chương trình, ngày 18/10, Ban tổ chức đã tổ chức hội thi Canh tác lúa thông minh thích ứng BĐKH cho 65 nông dân đã tham gia chương trình đại diện cho 13 tỉnh, thành trong khu vực. Các thí sinh trải qua bốn phần thi: Phần thứ nhất với chủ đề "Biến đổi khí hậu" các thí sinh phải trả lời 20 câu hỏi theo hình thức thi trắc nghiệm cá nhân; Phần thứ hai với chủ đề "Cuộc sống ruộng đồng" là phần thi để các thí sinh tự do thể hiện tài năng, sáng tạo với hình thức như tiểu phẩm, thơ ca, hò vè…; Phần thi thứ ba với hình thức xử lý tình huống và hùng biện, các đội phải trả lời 2 câu hỏi (01 câu về xử lý tình huống và 01 câu hùng biện về chủ đề BĐKH gắn với kỹ thuật canh tác); Phần thi cuối cùng - "Về đích" theo hình thức trắc nghiệm đồng đội có cược điểm với 10 câu hỏi.

Ban tổ chức tặng hoa cho Ban Giám khảo hội thi

Thí sinh tham gia phần thi trắc nghiệm cá nhân "Biến đổi khí hậu"


Phần thi "Cuộc sống ruộng đồng" của đội tuyển Bạc Liêu

Phần thi xử lý tình huống và hùng biện của đội tuyển Đồng Tháp

Kết quả, sau một ngày thi sôi động, Ban tổ chức đã trao một giải Nhất cho đội tuyển tỉnh Đồng Tháp, đội Kiên Giang và Sóc Trăng đồng giải Nhì, các đội Bạc Liêu, Tiền Giang và Cần Thơ đồng giải Ba; các đội còn lại đoạt giải Khuyến khích. Bên cạnh giải tập thể, Ban tổ chức đã trao các giải cá nhân: 20 giải cá nhân thực hiện mô hình xuất sắc, 07 giải cá nhân thi trắc nghiệm "Biến đổi khí hậu" xuất sắc; 03 giải cá nhân trả lời hùng biện xuất sắc. Các giải phụ cho phần thi thứ 2 - "Cuộc sống ruộng đồng" thuộc về các đội tuyển Cần Thơ, Tiền Giang và Bạc Liêu; giải đội tuyển có cổ động viên ấn tượng thuộc về đội tuyển Cần Thơ và Hậu Giang.

Theo Ban tổ chức cho biết, bên cạnh giải thưởng, 20 nông dân xuất sắc và đội thi đạt giải Nhất (Đồng Tháp) sẽ được Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền mời tham quan học tập các mô hình về sản xuất nông nghiệp tiên tiến tại Thái Lan (dự kiến vào tháng 11.2016).

Trao một giải Nhất cho đội tuyển tỉnh Đồng Tháp

Trao giải cho 20 cá nhân thực hiện mô hình xuất sắc


Hoa Trà