Nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tỉnh Hà Giang đã đề ra mục tiêu đẩy mạnh Tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp với điểm nhấn là tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi thế mạnh của tỉnh. Đó là, tập trung phát triển 3 cây: cam, chè, dược liệu và 3 con: trâu, bò và ong theo hướng hàng hóa. Từ đó, giúp người nông dân đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản suất nhằm không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi.

Theo đánh giá của ngành chức năng, trong gần 4 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu, tốc độ tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp Hà Giang đạt trên 6,5%/năm, phấn đấu đến cuối năm 2020, giá trị của sản xuất nông lâm nghiệp đạt trên 7.800 tỷ đồng. Tính đến tháng 6/2019, cơ cấu ngành nông nghiệp trong GRDP của Hà Giang chiếm trên 32,5%; chăn nuôi - thủy sản tăng bình quân 1,5% và chiếm 24% tổng giá trị ngành nông nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm (theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020.

Về trồng trọt: Nhằm triển khai Đề án Tái cơ cấu, tỉnh Hà Giang đã tập trung  mở rộng sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP. Tính đến thời điểm tháng 6/2019, toàn tỉnh Hà Giang đã có trên 3.520 ha cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP (chiếm trên 40,3% diện tích). Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang tiếp tục áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm cam sành. Phấn đấu đến năm 2020 có trên 50% diện tích cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất cam bình quân đạt 150 tạ/ha.

Để thực hiện mục tiêu phát triển cây cam sành, UBND tỉnh và ngành nông nghiệp Hà Giang đã tập trung chỉ đạo Trung tâm Khoa học kỹ thuật giống cây trồng Đạo Đức phối hợp chặt chẽ với 3 huyện vùng cam chuẩn bị cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng. Tiếp tục ưu tiên nguồn vốn để thực hiện chính sách hỗ trợ cho các hộ trồng cam; tăng cường công tác quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam sành cho nông dân. Hà Giang đã tập trung xây dựng vùng sản xuất cam điển hình tại xã Vĩnh Phúc và Vĩnh Hảo tại huyện Bắc Quang với diện tích trên 950 ha để xúc tiến thương mại, thu hút các doanh nghiệp chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường và phát huy tối đa giá trị của sản phẩm cam sành Hà Giang, làm động lực thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển. Tăng cường kiểm soát, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cam sành của tỉnh.

Ngoài ra, sau gần 4 năm triển khai Đề án, hiệu quả trong lĩnh vực trồng trọt được tăng từ 17,5 triệu đồng/ha/vụ vào năm 2015 lên 21,5 triệu đồng/ha/vụ vào năm 2018. Một số huyện đã liên kết, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, đẩy mạnh thâm canh cánh đồng mẫu lớn gắn với cơ giới hóa như Vị Xuyên, Quang Bình, Bắc Mê, Bắc Quang.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, sau gần 4 năm triển khai Đề án, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành chăn nuôi đạt 13%/năm. Chủ yếu tập trung phát triển đàn trâu, bò và đẩy mạnh phát triển nuôi ong lấy mật theo hướng hàng hóa (chủ yếu là mật ong bạc hà tại 4 huyện cao nguyên đá là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ). Tính đến thời điểm tháng 6/2019, toàn tỉnh Hà Giang đã phát triển đàn trâu được 171.733 con (tăng 7,5% so với năm 2015); đàn bò 119.383 con (tăng 20% so với năm 2015); tổng đàn ong đạt trên 32.300 tổ (tăng 7,5% so với năm 2015).

Tỉnh Hà Giang đã tập trung chỉ đạo có hiệu quả công tác thụ tinh nhân tạo cho đàn bò. Chuyển giao kỹ thuật về phối giống, kỹ thuật phát hiện bò động đực, nâng cao hiệu quả sản xuất tinh bò đông lạnh của Trung tâm Giống cây trồng và Gia súc Phó Bảng huyện Đồng Văn. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân phát triển và mở rộng diện tích trồng cỏ; tăng cường công tác tập huấn nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác bảo quản, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với đồng bào 4 huyện vùng Cao nguyên đá trong việc bảo vệ và phát triển cây bạc hà để tạo nguồn phấn hoa trong phát triển nuôi ong; quản lý và nâng cao uy tín của chỉ dẫn "Mật ong Bạc Hà huyện Mèo Vạc". Đẩy mạnh công tác tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho trâu, bò và đàn ong...

Mô hình nuôi ong mật bạc hà tại xã Lũng Phù, huyện Mèo Vạc

Đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết: Sau gần 4 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngoài bộ mặt nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều khởi sắc thì người nông dân đã biết cách tổ chức lại sản xuất, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Điểm nhấn mang tính đột phá, quyết định đó chính là Đề án đã góp phần làm thay đổi nhanh chóng cách nghĩ, cách làm của người dân. Người nông dân đã biết liên kết với nhau từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và thúc đẩy quá trình xây dựng thành công nông thôn mới trên địa bàn của tỉnh.

Phạm Văn Phú

Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Giang