Tính đến thời điểm cuối năm 2017, tổng diện tích cam của Hà Giang đạt 8.387 ha, trong đó diện tích cam Sành là 6.631 ha (chiếm 79% diện tích), diện tích cam chanh và cam Vinh là 1.756 ha (chiếm 21%). Số hộ tham gia trồng cam là 7.700 hộ, trong đó có gần 2.500 hộ tham gia trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến cuối năm 2017 đã có 59 Tổ sản xuất, HTX sản xuất cam Sành được cấp Giấy chứng nhận VietGAP với diện tích trên 2.750 ha.

Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm cam Sành luôn được tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm

Trong những năm qua, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm cam Sành luôn được tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm. Năm 2017, UBND tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ cho 35 doanh nghiệp, HTX, các hộ sản xuất và kinh doanh cam của 3 huyện trên 1,4 triệu tem nhãn mác; Các ngành chức năng của Hà Giang đã phối hợp với 3 huyện trồng cam tổ chức Tuần lễ cam Sành và các đặc sản của Hà Giang tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; Quảng bá sản phẩm cam Sành Hà Giang tại một số hoạt động trong khuôn khổ của hội nghị APEC; Hỗ trợ các điểm bán cam dọc theo tuyến Quốc lộ 2 (đường Hà Giang – Hà Nội)… Cũng trong năm 2017, sản phẩm cam Sành của Hà Giang đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý.

Nhằm phát triển bền vững cây cam Sành, ngày 8/3/2018, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị Bàn các giải pháp phát triển bền vững cam Sành Hà Giang.

Để phát triển bền vững cây cam Sành, UBND tỉnh Hà Giang đã đưa ra mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm cam Sành với các giải pháp cụ thể như: Không khuyến khích mở rộng thêm diện tích trồng cam; Tập trung thâm canh, chăm sóc nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cam Sành; Chuyển giao kỹ thuật thu hái và bảo quản cam; Nâng cao hiệu quả trong quản lý phân bón, thuốc trừ sâu bệnh trên cây cam; Nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý giống; Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại trong tiêu thụ sản phẩm; Đề ra các cơ chế, chính sách nhằm thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây cam nói chung và sản phẩm cam Sành nói riêng…

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, cam Sành đã trở thành loại hàng hóa chủ lực của Hà Giang. Trong những năm qua, cây cam Sành đã nhận được sự quan tâm của người dân và các cấp, các ngành trong tỉnh nhưng cây cam Sành vẫn chưa thực sự phát triển bền vững. Vì vậy, trong niên vụ cam 2018 – 2019, UBND tỉnh Hà Giang sẽ chỉ đạo 3 huyện trồng cam cần tập trung tổ chức lại sản xuất cho các hộ trồng cam; đưa toàn bộ các hộ trồng cam vào các HTX. Tiếp tục phát triển và mở rộng diện tích cam Sành theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, các huyện trồng cam cần xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp bằng hình thức du lịch tham quan các vườn cam… Ngoài ra, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chuyên môn thuê chuyên gia tư vấn xem xét lại mẫu mã quả, bao bì đóng gói sản phẩm và đăng ký chất lượng sản phẩm cam Sành; xây dựng kế hoạch quảng bá sản phẩm cam Sành trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Phạm Văn Phú

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang