Việc thực hiện mô hình nhằm giúp giảm tình trạng giao phối đồng huyết, cận huyết và bảo tồn, duy trì, phát triển nguồn gen giống lợn quý (giống lợn bản địa Lũng Pù), tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho các hộ chăn nuôi, đồng thời góp phần nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi; Từ đó tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh, góp phần phát triển chăn nuôi lợn bản địa ở miền núi ngày càng hiệu quả, bền vững…

Tham gia mô hình người dân được hỗ trợ 100% con giống, thức ăn hỗn hợp, vắc xin, thuốc thú y, thuốc sát trùng và được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi lợn nái, lợn đực giống sinh sản…

Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện, cán bộ chỉ đạo mô hình đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi về kỹ thuật phối giống, phối trộn các loại thức ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng cho lợn nái sinh sản và nuôi con theo từng giai đoạn; kỹ thuật chăm sóc lợn nái hậu bị, lợn chuẩn bị đẻ, sau đẻ, kỹ thuật đỡ đẻ và chăm sóc lợn con, kỹ thuật phòng trị bệnh cho lợn…

Sau 3 năm triển khai mô hình đã có 29 hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình với tổng số lợn là 290 con (trong đó có 29 con lợn đực giống, 261 con lợn nái hậu bị). Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn bản địa sinh sản cho trên 300 lượt người; tổ chức tham quan, tổng kết cho trên 330 lượt người tham gia, đồng thời mỗi hộ tham gia mô hình cắm 1 biển mô hình để tuyên truyền quảng bá nhân rộng mô hình.

Kết quả toàn bộ số lợn bố mẹ trong mô hình đạt tỷ lệ sống 100%, tăng trưởng, phát triển khỏe mạnh, được tiêm đầy đủ 7 loại vắc-xin, số lợn con bình quân một lứa đạt 5 - 7 con/lợn mẹ, tỷ lệ nuôi sống đến 3 tháng tuổi đạt trên 90%. Hiệu quả kinh tế tính trong 8 tháng triển khai mô hình đạt 5.821.120 đồng/lợn mẹ, tăng 907.980 đồng/1 lợn mẹ/8 tháng.

Ngoài ra, thông qua việc sử dụng lợn nái giống bản địa tốt, sử dụng thức ăn đủ thành phần dinh dưỡng, chất lượng tốt, tiêm vắc-xin đầy đủ và thực hiện tốt công tác vệ sinh giúp cho lợn nái phát triển khỏe mạnh, lợn con sinh ra có sức đề kháng tốt, tỷ lệ sống cao hơn. Tỷ lệ sống lợn con sau khi sinh đạt trên 95%, tỷ lệ sống của lợn con sau 3 tháng tuổi đạt trên 90%.

 

Đàn lợn bố mẹ và đàn lợn con trong mô hình tại hộ ông Vừ Mí Và - thôn Há Ía, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc

 

Đối với chăn nuôi lợn đực giống bản địa (giống lợn Lũng Pù) việc lựa chọn con giống đạt tiêu chuẩn, chất lượng con giống đã khắc phục được hiện tượng giao phối đồng huyết, cận huyết, giao phối không có chọn lọc góp phần nâng cao chất lượng và duy trì nguồn gen cũng như những đặc tính quý của giống.

Ông Vừ Mí Và - thôn Há Ía, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc cho biết: Gia đình ông tham gia mô hình năm 2019 và được hỗ trợ 01 con lợn đực giống, 09 con lợn nái hậu bị, 100% thức ăn hỗn hợp, vắc-xin phòng bệnh, thuốc sát trùng. Ông được cán bộ khuyến nông tập huấn quy trình kỹ thuật chăn nuôi.  Nhờ chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh đúng theo hướng dẫn kỹ thuật nên đàn lợn của gia đình không bị dịch bệnh, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Đến nay đàn lợn nái đã đẻ được 3 lứa, trung bình 6 - 7 con/nái/lứa, gia đình ông đã xuất chuồng, mỗi con có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng thu về trên 90 triệu đồng/lứa.

"Từ việc được lựa chọn tham gia mô hình tôi thấy việc bảo tồn và duy trì giống lợn bản địa của địa phương là rất cần thiết do đó tôi đã chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm thu được trong quá trình tham gia mô hình và hỗ trợ phối giống từ lợn đực giống được hỗ trợ trong mô hình cho các hộ lân cận." - Ông Vừ Mí Và chia sẻ

Ông Vừ Mí Và chia sẻ với các đại biểu đến tham quan mô hình

 

Đồng chí Quan Thị Hồng Nhung, Chủ tịch UBND xã Cán Chu Phìn cho biết, để triển khai tốt mô hình UBND xã đã chỉ đạo cán bộ nông lâm nghiệp, trưởng các thôn bản lựa chọn các hộ có tâm huyết, có kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn; thành lập tổ hợp tác chăn nuôi lợn để các hộ học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong công tác thú y và phòng trừ dịch bệnh, đồng thời thường xuyên kiểm tra hướng dẫn các hộ thực hiện tuân thủ quy trình kỹ thuật hướng dẫn nhằm bảo tồn, duy trì, phát triển nguồn gen giống lợn quý (lợn Lũng Pù) góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Ông Phùng Viết Vinh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang cho biết: Để phát triển nuôi lợn bản địa thành một nghề chăn nuôi hàng hóa ổn định, lâu dài, tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho người nông dân về giống, vốn và kiến thức khoa học kỹ thuật để họ yên tâm sản xuất. Xây dựng mô hình liên kết giữa người chăn nuôi với các HTX chế biến, siêu thị để bảo đảm bao tiêu sản phẩm cho người chăn nuôi, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm…

Lan Anh

Trung tâm Khuyến nông Hà Giang