Theo đánh giá, tỉnh Hà Nam hiện có 5.720,1 ha cây ăn quả, trong số này chỉ có 1.673,8 ha được trồng tập trung. Về cơ cấu và diện tích cây trồng, thì cây bưởi có 560ha/1.080 cây có múi. Các mô hình trồng bưởi từ năm thứ 5 trở đi năng suất quả đạt từ 8-16 tấn/ha, hiệu quả kinh tế thu đạt từ 120-150 triệu đồng.

Sản lượng cây bưởi tuy lớn nhưng về chất lượng và quá trình chăm sóc vẫn còn tồn tại một số hạn chế như lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc trừ cỏ và thuốc BVTV gây nên những tác hại cho đất, nước, không khí, đặc biệt là sức khỏe con người. Nhận thấy rõ nhất chính là việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của nông dân còn hạn chế, chưa thực hiện đúng yêu cầu quy trình thâm canh, nhất là kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, tỉa tạo tán; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng kỹ thuật gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và đất ở mức cao; năng suất quả không ổn định, chất lượng, hình thức, mẫu mã quả chưa cao. Có diện tích trồng từ 4-5 năm chưa cho thu hoạch, hoặc năng suất quả rất thấp. Công tác quản lý đất đai ở một số địa phương chưa chặt chẽ nên còn tình trạng các hộ tự ý xây dựng nhà tạm, lều lán, phá vỡ mặt bằng khu vực chuyển đổi. Nhiều hộ chưa tuân thủ quy định về làm thủ tục đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Cơ sở hạ tầng vùng chuyển đổi chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất...

Để khắc phục những hạn chế này, thâm canh cây bưởi theo VIETGAP là giải pháp quan trọng, giúp chăm sóc một cách khoa học, an toàn tạo ra sản phẩm sạch cho sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Hà Nam đã xây dựng và triển khai dự án “Mô hình thâm canh bưởi Diễn theo VietGAP”.

Dự án đã được triển khai tại 2 điểm: Phường Châu Giang – TX. Duy Tiên và xã Ngọc Lũ huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam với tổng diện tích 12 ha, do 45 hộ tham gia thực hiện trong thời gian 9 tháng (tháng 3-12/2020).

Để đảm bảo hiệu quả của mô hình, TTKN Hà Nam đã làm tốt các khâu từ khảo sát chọn hộ, tập huấn, hướng dẫn chỉ đạo kỹ thuật trồng bưởi Diễn theo VietGAP, cử cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra theo dõi tình hình sinh trưởng của cây để hướng dẫn kỹ thuật kịp thời nên cây sinh trưởng phát triển khỏe. Đồng thời người dân tuân thủ nguyên tắc 5 đúng trong bón phân và 4 đúng trong sử dụng tuốc BVTV và các nguyên tắc của quy trình sản xuất theo VietGAP, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng cũng như bảo vệ môi trường.

Gia đình bác Nguyễn Văn Toản ở tổ dân phố Du Long, phường Châu Giâng (thị xã Duy Tiên) đã có thâm niên gần 20 năm trồng bưởi Diễn. Hiện nay đã mở rộng 1.500 gốc cây, trong đó có những gốc cây trồng 10-15 năm cho chất lượng bưởi rất ngon nên bán được giá cao.

Bác Toản cho biết: Gia đình bác rất phấn khởi khi được tham gia mô hình thâm canh bưởi Diễn theo VietGAP do TTKN Hà Nam triển khai vì trong quá trình thực hiện bác được hướng dẫn cặn kẽ từng khâu kỹ thuật giúp trái bưởi ngon, chất lượng, đặc biệt là an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, giúp bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, bác cũng thổ lộ: Việc trồng bưởi theo VietGAP sẽ tạo niềm tin về độ an toàn của sản phẩm, nhờ đó mà thu hút thị trường tiêu thụ, do vậy bác quyết tâm thực hiện nghiêm túc các quy trình kỹ thuật để đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn của VietGAP.

Sở NN&PTNT Hà Nam kiểm tra, đánh giá mô hình bưởi Diễn thâm canh theo VietGAP tại hộ ông Nguyễn Văn Toản

 

Dự án mô hình thâm canh bưởi Diễn theo VietGAP có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn tỉnh thực hiện chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây hàng hóa, trong đó xây dựng một số vùng sản xuất cây ăn quả an toàn, tập trung trên diện tích chuyển đổi từ đất lúa.

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn và lãnh đạo địa phương: Việc xây dựng các mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn là rất cần thiết nhằm góp phần khắc phục hạn chế sản xuất cây ăn quả hiện nay, từng bước nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất cây ăn quả. Tuy nhiên điểm khó hiện nay chính là nâng cao năng lực tổ chức sản xuất cho các HTX để hỗ trợ nông dân sản xuất theo đề án. Cơ chế hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm rất quan trọng, phải tiêu thụ được sản phẩm thì mới nâng cao giá trị sản xuất, bảo đảm được tính ổn định và bền vững của mô hình. Vai trò của HTX trong tham gia đề án này là rất quan trọng vì có liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có việc chứng nhận tiêu chuẩn cho sản phẩm. Các địa phương tham gia đề án phải chủ động chỉ đạo, tạo điều kiện và hỗ trợ việc thành lập các HTX, cơ quan chuyên môn sẽ phối hợp tư vấn hỗ trợ thành lập HTX theo quy định của pháp luật. Các HTX có chức năng, nhiệm vụ liên kết trao đổi, hỗ trợ kinh nghiệm sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm... 

Mai Huê

 Trung tâm Khuyến nông Hà Nam