Quy mô mỗi mô hình xây dựng 2 bể nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” thể tích 250 m3/bể (kích thước 25 x 5 x 2 m) trở lên; ao nuôi có diện tích từ 1 ha trở lên, độ sâu mực nước từ 2 - 3 m, đảm bảo thể tích ao xử lý nước để cấp nước cho bể nuôi tối thiểu đạt 10.000 m3 nước/bể.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Phòng Thuỷ sản - Sở Nông nghiệp Hà Nam cho biết, để thực hiện mô hình, Sở đã kết nối, mời cán bộ kỹ thuật của HTX Thủy sản Xuyên Việt ở xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương trực tiếp khảo sát, tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ xây dựng, vận hành bể, ao nuôi cá “sông trong ao” cho các hộ tham gia mô hình. Đến ngày 30/11/2018, đã triển khai xây dựng được 2 mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao” với tổng diện tích ao nuôi là 5,8 ha, xây dựng 7 bể nuôi.

Sở cũng đã kết nối, hướng dẫn các hộ ký hợp đồng với HTX sản xuất và thương mại Thủy sản Xuyên Việt để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhằm ổn định sản phẩm đầu ra và nâng cao giá bán. Theo đó, HTX Thủy sản Xuyên Việt cung cấp cá giống, chuyển giao công nghệ và tiêu thụ sản phẩm cho hộ nuôi cá. Hộ nuôi cá cam kết thực hiện đúng quy trình chăm sóc nuôi dưỡng của HTX và bán sản phẩm cho HTX Thủy sản Xuyên Việt. Thời gian, số lượng, kích cỡ sản phẩm thu hoạch theo từng đơn hàng cụ thể, giá bán đảm bảo cao hơn giá thị trường tại thời điểm thu hoạch 5-10%.

Đồng thời, Sở đã phân công cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở để hướng các hộ thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật, ghi chép nhật ký sử dụng thức ăn, con giống, thuốc phòng, trị bệnh; thường xuyên cập nhật thông tin tình hình triển khai thực hiện mô hình và kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện.

Cá được nuôi chủ yếu trong bể, chiếm khoảng 2,5% tổng diện tích ao nuôi; diện tích còn lại dùng để xử lý nước trước khi cấp tuần hoàn cho các bể nuôi. Toàn bộ nước ao được kiểm soát chất lượng bằng chế phẩm sinh học EM, chất xử lý cải tạo môi trường... và một số loại cá ăn lọc (cá mè trắng, mè hoa...) để làm sạch nước. Đối tượng nuôi là cá trắm cỏ, cá chép lai, cá diêu hồng. Mật độ nuôi: cá trắm cỏ, cá chép 6.000 - 8.000 con/bể; cá diêu hồng: 10.000-12.000 con/bể. Cá ăn lọc được thả bên ngoài bể với mật độ 0,5 con/m2 để tận dụng thức ăn tự nhiên và làm sạch nước ao.

Mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ "sông trong ao" tại Hà Nam

Với sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, cả hai hộ đều đã chủ động ương nuôi được khoảng 50% số lượng cá giống tại ao ương của mình, số lượng cá giống còn lại mua của HTX Thủy sản Xuyên Việt, đảm bảo chất lượng, kích cỡ, mật độ nuôi thả; sử dụng các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nằm trong Danh mục hàng hóa được phép lưu hành do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành; sử dụng thức ăn công nghiệp hỗn hợp hoàn chỉnh dạng viên nổi đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng theo yêu cầu từng giai đoạn phát triển của cá và nằm trong Danh mục được phép lưu hành do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành.

Việc chăm sóc quản lý ao nuôi được các hộ tiến hành theo quy trình công nghệ học tập được của HTX Thủy sản Xuyên Việt và hướng dẫn trực tiếp của cán bộ kỹ thuật Sở Nông nghiệp & PTNT. Đồng thời, Sở Nông nghiệp & PTNT đã phối hợp với các địa phương tổ chức 02 lớp tập huấn kỹ thuật cho các hộ nuôi cá trong vùng triển khai mô hình và tổ chức cho các hộ tham quan mô hình nuôi cá “sông trong ao” tại HTX Thủy sản Hưng Phát – xã Quang Hưng, huyện Phủ Cừ, tỉnh Hưng Yên. Qua tham quan, tập huấn, các hộ nuôi cá đã nắm bắt được các biện pháp kỹ thuật chủ yếu của quy trình nuôi thâm canh cá và công nghệ nuôi cá “sông trong ao”.

Nói về hạch toán sản xuất,  ông Phạm Văn Tiệp, chủ hộ tham gia mô hình cho hay: tổng chi phí đầu tư hết khoảng 3,5 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng bể, ao nuôi, thiết bị… khoảng 1,17 tỷ đồng; chi phí sản xuất (con giống, thức ăn, hóa chất xử lý môi trường…) khoảng 2,33 tỷ đồng. Còn tổng chi phí của hộ ông Hoàng Văn Thường khoảng 2,79 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng bể, ao nuôi, thiết bị… khoảng 1,0 tỷ đồng; chi phí sản xuất (con giống, thức ăn, hóa chất xử lý môi trường…) khoảng 1,79 tỷ đồng. Dự kiến với năng suất trung bình khoảng 15 tấn cá thương phẩm/bể nuôi; sản lượng dự kiến hộ ông Tiệp khoảng 60 tấn, hộ ông Thường khoảng 45 tấn; với giá bán trung bình 50.000 đồng/kg, doanh thu hộ ông Tiệp khoảng 3 tỷ đồng, hộ ông Thường khoảng 2,25 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận thu được của hộ ông Tiệp khoảng 670 triệu đồng, hộ ông Thường khoảng 460 triệu đồng/vụ nuôi (chưa tính khấu hao xây dựng cơ bản); sau khoảng 2-3 vụ nuôi các hộ có thể thu hồi vốn xây dựng cơ bản.

Để các mô hình đã xây dựng năm 2018 phát huy hiệu quả, có tác dụng lan tỏa, ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật của ngành nông nghiệp và sự cố gắng của các hộ dân, đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp hướng dẫn trình tự, thủ tục chứng nhận nguồn gốc, chất lượng sản phẩm… cho các hộ nuôi cá có đủ điều kiện về ATTP để tăng thêm giá bán, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Theo nội dung Đề án, tỉnh Hà Nam tiếp tục triển khai xây dựng 6 mô hình điểm trong năm 2019, vì vậy cần có sự phối hợp, đôn đốc của các địa phương tới các hộ tích cực triển khai ngay trong mùa khô năm 2018-2019.

Mai Huê

Trung tâm Khuyến nông Hà Nam