Từ phương pháp cấy truyền thống với nhiều nhược điểm, khiến nông dân vất vả “đau lưng mỏi gối” mỗi lần vào thời vụ gieo cấy, thì bắt đầu từ năm 2007 bà con đã được tiếp cận với biện pháp gieo sạ bằng công cụ sạ hàng thông qua cầu nối khuyến nông. Được biết, được hiểu và thấy hiệu quả khi được tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công cụ gieo sạ lúa, bà con nhiệt tình đón nhận, áp dụng mạnh mẽ, thể hiện ở diện tích gieo thẳng tăng nhanh qua các năm. Ban đầu mới chỉ triển khai 25ha (năm 2007), nhưng tính đến vụ Xuân 2018, diện tích lên tới 15.688ha (đạt 49,9% diện tích gieo cấy), trung bình đạt 35 - 40% diện tích/vụ/năm. Diện tích được mở rộng như vậy là nhờ những hiệu quả của gieo thẳng đã thuyết phục nông dân bởi tính ưu việt như rút ngắn thời gian sinh trưởng cây lúa từ 5-7 ngày, lại cho lợi nhuận cao hơn lúa cấy 7 triệu đồng/ha. Đồng thời giảm nhân công lao động khoảng hơn 100.000 đồng/sào (một người kéo giàn sạ bằng 40 người cấy/1ngày); giảm lượng phân bón urê 2kg/sào và giảm giá thành sản xuất so với lúa cấy; gieo thẳng còn giúp kịp thời vụ sản xuất.

Anh Vũ Quang Hiển - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng cho biết: Đối với xã Thanh Sơn hiện nay, trừ những nơi diện tích bị trũng không thể tiến hành gieo sạ vì sợ ngập úng thì hầu hết các thôn xóm đều làm theo phương pháp này, ngay vụ Xuân năm 2018 với 150 ha sản xuất lúa thì bà con gieo sạ chiếm tới 75-80% diện tích.

Cấy lúa bằng máy được nông dân Hà Nam nhiệt tình hưởng ứng

Bên cạnh phương pháp gieo sạ, một số địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đang áp dụng phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên (hay còn gọi là cấy hàng rộng hàng hẹp). Nhờ ưu điểm cấy thưa, cây lúa hấp thụ ánh sáng trực tiếp tới phần dưới của cây lúa, giúp lúa cứng cây, sinh trưởng phát triển mạnh, đẻ nhánh khoẻ, tập trung, bông to, tỷ lệ hạt chắc cao, năng suất tăng từ 5- 10% so với lúa cấy theo phương pháp truyền thống, năng suất bình quân đạt 6,4 tấn/ha. Phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên cấy theo công thức 40-20-22 nên ruộng lúa thông thoáng, giúp giảm đáng kể bệnh hại, đặc biệt là bệnh khô vằn và rầy, nông dân không mất nhiều chi phí về thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường.

Phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên được áp dụng nhiều nhất tại huyện Bình Lục với diện tích vụ Xuân 2018 khoảng 500 ha. Điển hình là xã Đồn Xá, huyện Bình Lục, vụ Xuân 2018 là vụ thứ 5 địa phương thực hiện cấy theo phương pháp này, đến nay diện tích gieo cấy hiệu ứng hàng biên của xã đạt khoảng 30 – 35 ha/vụ.

Đồng thời với hai phương pháp gieo thẳng và cấy lúa hiệu ứng hàng biên, còn phải kể đến phương pháp cấy lúa bằng máy cấy. Đến với câu chuyện về máy cấy, ông Vũ Văn Và, giám đốc HTXNN xã Yên Nam, huyện Duy Tiên cho hay: Năm 2016, xã Yên Nam bắt đầu đưa máy cấy vào đồng ruộng và đã khai thác sử dụng hiệu quả, được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Vì đồng đất của Yên Nam diện tích trũng chiếm tới 2/3 nên việc sử dụng máy cấy tay là rất hợp lý. Được biết, toàn bộ diện tích chuyển đổi từ việc tích tụ ruộng đất được 10,14ha, xã Yên Nam đã cho 2 hộ đấu thầu cấy lúa kết hợp với thả cả. Hai hộ đã sử dụng 100% diện tích này cấy bằng máy. Đây là công nghệ mới, đòi hỏi phải có kỹ thuật, đồng thời người dân cũng chưa có điều kiện để mua máy riêng nên HTX đã đứng lên làm dịch vụ cho bà con với giá 260.000 đồng/sào. Tuy nhiên với 2 chiếc máy cấy tay như hiện nay chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu thực tế của bà con cho kịp thời vụ, vì vậy, tới đây xã Yên Nam chuẩn bị sẽ đầu tư thêm 3 chiếc máy cấy để đảm bảo phục vụ tốt cho dịch vụ gieo cấy.

Hiện nay, toàn tỉnh có 22 chiếc máy cấy. Trong vụ Xuân này, diện tích cấy máy đạt 398 ha, trong đó huyện Kim Bảng sử dụng nhiều nhất đạt 200 ha, Duy Tiên 168 ha, Bình Lục 30 ha.

Mỗi phương pháp gieo cấy lại được áp dụng mạnh ở từng địa phương khác nhau như gieo thẳng phát triển mạnh ở Thanh Liêm, hiệu ứng hàng biên ở Bình Lục, máy cấy ở Kim Bảng và Duy Tiên nhưng cả 3 phương pháp gieo cấy trên đều mang lại hiệu quả cao cho bà con. Đây cũng là giải pháp để tỉnh Hà Nam thể hiện việc đẩy mạnh mạnh cơ giới hoá vào sản xuất lúa, giải phóng sức lao động cho người dân nông thôn và tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Mai Huê

TTKN Hà Nam