Trước thực trạng nhiều vùng đất trồng lúa bị nhiễm phèn, năng suất thấp và các vùng nuôi tôm thường xuyên bị dịch bệnh, đang đứng trước nguy cơ có thể bị bỏ hoang; Để tìm hướng đi mới nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập ngay trên ao, ruộng của mình và tạo thêm công ăn việc làm, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới tại các xã gặp khó khăn trong việc nâng cao thu nhập; Nhiều năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã thực hiện thành công mô hình nuôi cá rô phi thâm canh tại các xã khó khăn, xã đỡ đầu xây dựng nông thôn mới của các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Thành phố Hà Tĩnh, Lộc Hà, Thạch Hà… 

Với mật độ thả từ 2 đến 3 con/m2, vào khoảng tháng 3 âm lịch hàng năm bà con tiến hành cải tạo ao đầm, tháng 4 thả cá giống và bắt đầu thu tỉa vào tháng 8, thu rải đến cuối năm. Sau 6 tháng nuôi cá đạt cỡ từ 0,6 – 1 kg/con, cá thu hoạch cũng có thể đạt 1,2 – 1,5 kg/con, tỷ lệ sống trên 80%, cá lớn nhanh, ít bị dịch bệnh, màu sắc đẹp. Năng suất đạt từ 10-15 tấn/ha/vụ, giá bán từ 30.000 – 50.000 đồng/kg mang lại nguồn thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/ha/vụ cho bà con nông dân.

Gia đình anh Nguyễn Văn Lý tại xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh là một hộ dân say mê với nghề nuôi thủy sản. Sau nhiều vụ tôm không thành công, đang loay hoay tìm hướng đi mới thì anh được Trung tâm Khuyến nông và chính quyền địa phương động viên hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá rô phi thâm canh với quy mô 0,7 ha. Khi mới thả giống, mặc dù đã thuần hóa nhưng cá vẫn bị sốc độ mặn và chết khá nhiều, gia đình cũng nản lòng nhưng được chỉ đạo sâu sát của Trung tâm Khuyến nông nên anh đã kịp thời xử lý, tạo môi trường thuận lợi cho cá phát triển. Sau 6 tháng nuôi cá lớn rất nhanh, đạt cỡ 0,9 kg/con, chất lượng thịt cá hơn hẳn các điểm nuôi cá rô phi trong ao nước ngọt mà Trung tâm triển khai năm đó (năm 2016). Năm đó, anh vừa được mùa, vừa được giá. Với giá cá 50.000 đồng/kg tại hồ thì anh đã thu được khoảng 50 triệu đồng trong khi nhiều hộ xung quanh bỏ hoang hồ.

Gia đình chị Đặng Thị Long tại xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, xây dựng ao nuôi trên vùng đất trồng lúa nhiễm phèn nặng. Hai năm trước chị thả nuôi cá leo, cá lóc nhưng không thành công do độ phèn quá thấp (pH<4), không biết cách xử lý và kiểm soát phèn nên cá bị chết dần, không có sản phẩm thu hoạch. Năm 2018, được sự hỗ trợ cả về kinh tế và kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông, chị đã mạnh dạn tham gia đối ứng để xây dựng mô hình nuôi cá rô phi thâm canh với quy mô 0,6 ha. Sau 5 tháng thả nuôi cá đạt bình quân 0,6 kg/con, ước tính sản lượng đạt 9 tấn. Hiện nay, thương lái đã đến tận hồ để đặt vấn đề thu mua với giá 40.000 đồng/kg với cá cỡ trên 0,7 kg/con, ước tính lợi nhuận cũng đạt 50 triệu đồng, cao gấp hơn 5 lần trồng lúa trước đây.

Mô hình nuôi cá rô phi thâm canh của chị Đặng Thị Long, xã Phù Lưu

Sự thành công của mô hình đã mở ra một hướng đi mới, giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi các đối tượng sản xuất phù hợp trên diện tích canh tác của mình, để mang lại nguồn thu nhập cao hơn và có công ăn việc làm ổn định hơn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các xã có điều kiện khó khăn, có mức thu nhập thấp.

Kim Thịnh

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh