Hoàng Hoa Thám là một xã miền núi của TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương nơi có 10 dân tộc anh em (Sán Dìu, Tày, Nùng…) sinh sống. Người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào kinh tế đồi rừng trồng các loại cây keo, bạch đàn cho hiệu quả kinh tế thấp nên đời sống người dân địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Từ năm 1999, sau chuyến đi tham quan thực tế mô hình trồng măng tre bát độ tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam do Hội Nông dân Chí Linh tổ chức, một số hộ dân tiêu biểu trong xã đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa tre măng Bát độ về trồng tại thôn Đồng Châu, xã Hoàng Hoa Thám. Giống tre này thích hợp với đất có độ dày cao và độ ẩm lớn. Với đặc điểm địa hình ở Chí Linh, tre măng Bát độ sinh trưởng và phát triển tốt, không tốn nhiều công và phân bón để chăm sóc, năng suất ra măng ổn định. Loại cây trồng này trồng hai năm thì cho thu hoạch, từ năm thứ 3 trở đi cho năng suất ổn định, mùa măng bắt đầu thu từ tháng 4 đến tháng 10 dương lịch, trung bình năm đầu tiên cho thu hoạch từ 11 – 23 kg măng/bụi, đến năm thứ 6 cho thu 20 – 25 kg măng/bụi, sang năm thứ 7 – 8 có thể cho 30 – 40 kg măng/bụi. Như mọi năm giá bán giao động trong khoảng 12 – 13 nghìn đồng/kg, năm nay do ảnh hưởng của dịch covid 19 thì giá bán chỉ dao động trong khoảng 7 – 8 nghìn/kg măng tươi.

Toàn xã Hoàng Hoa Thám có gần 70 ha măng tre Bát độ

 

Khác với các giống măng khác của địa phương, măng Bát độ có trọng lượng lớn, ăn lại giòn và thơm ngọt, dễ chế biến, dễ tiêu thụ nên hàng năm, cứ đến mùa măng là tư thương trong và ngoài tỉnh tự tìm đến tận vườn của các hộ gia đình để thu mua. Sản phẩm măng hàng năm chủ yếu phục vụ nhu cầu của hộ gia đình và bán lẻ tại các chợ phiên và một số đầu mối thu mua để tiêu thụ chủ yếu Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương. Với năng suất trung bình 33 tấn/ha, sau khi trừ chi phí mỗi năm măng tre Bát độ cho thu lãi từ 230 – 260 triệu đồng/ha.

Lợi ích nhất khi trồng măng Bát độ là chi phí không đáng kể, măng tre bát độ được coi như một loại rau sạch, chỉ cần bón phân hữu cơ một lần khi kết thúc thu hoạch. Thông thường vào cuối tháng 10 dương lịch, sau khi thu hoạch măng xong cần tỉa cành già không đẻ, để lại vài cây non làm giống. Khi cây giống cao được 4m thì đốn ngọn, phần thân từ gốc lên, khi cao chừng 2m thấy ra nhánh thì cắt tỉa hết để cho cây tre tập trung dồn sức ra măng. Sang đầu xuân, khoảng tầm tháng 2 dương lịch, cần bón phân ủ hoai mục và phân vi sinh với lượng trung bình từ 20 kg đến 30 kg/bụi. Ngoài nguồn thu nhập từ măng tươi thì các hộ dân còn ươm bán cây giống, mỗi bụi cho từ 10 - 15 nhánh với giá bán 20 – 25 nghìn đồng/cây giống. Giống măng tre Bát độ ngày càng được ưa chuộng, nhiều hộ dân ở các xã lân cận cũng tìm đến tận nhà để mua cây giống.

Ươm bán cây giống để tăng thu nhập

 

Thấy rõ hiệu quả kinh tế từ cây tre măng Bát độ đem lại, từ chỗ chỉ có một vài gia đình trồng, đến nay toàn xã Hoàng Hoa Thám đã có gần 50 hộ trồng, trung bình mỗi hộ trồng khoảng 0,3 – 1 ha với tổng diện tích 70 ha. Thôn Đồng Châu là địa phương trồng nhiều măng tre Bát độ nhất trong xã Hoàng Hoa Thám với diện tích trên 45 ha, nhiều hộ dân có kinh tế khá giả từ trồng măng Bát độ. Hơn nữa, tuổi thọ của cây tre này trên 30 năm, hiệu quả kinh tế cao, đầu ra tương đối ổn định nên trong thời gian tới địa phương có định hướng phát triển rộng mô hình này. Ngoài nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất đồi rừng, giải quyết việc làm cho người lao động, cây tre tạo được thảm xanh và chống xói mòn cho đất, bảo vệ môi trường sinh thái. Cây măng tre Bát độ đã biến vùng đất cằn Hoàng Hoa Thám trở thành vùng phát triển cây kinh tế mũi nhọn.

Để phát triển cây măng Bát độ thành cây trồng có giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, cần có liên kết hiệu quả của “4 nhà”, trong đó doanh nghiệp không chỉ thu mua măng mà còn cung ứng giống, vật tư phân bón. Cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn nhân dân chuẩn bị đất, khai thác củ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc tre sau trồng. Bên cạnh đó cơ quan chức năng có những chính sách hỗ trợ đối với các hộ gia đình trồng tre măng Bát Độ theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô tập trung gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm. Với nguồn nguyên liệu măng tươi ngày càng dồi dào, địa phương đang định hướng thành lập HTX sản xuất măng khô sạch tự nhiên nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, cung ứng cho thị trường, có khả năng xuất khẩu.

Giờ đây loại cây trồng này đã chiếm được niềm tin trong nhân dân, người dân xã Hoàng Hoa Thám đều hăng hái trồng măng tre Bát độ với một niềm tin cây tre Bát độ sẽ giúp người dân làm giàu trên chính đồng đất quê hương mình.

 Nguyễn Thị Tuyền

 Trung tâm Khuyến nông Hải Dương