Nhằm thúc đẩy phát triển máy cấy, tiến tới cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã tổ chức Hội thảo “Bàn giải pháp mở rộng diện tích cấy máy trên địa bàn tỉnh Hải Dương”. Đến dự và chỉ đạo Hội thảo có ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương; ông Nguyễn Như Cường, Quyền Cục trưởng Cục Trồng trọt cùng hơn 300 đại biểu đại diện cho các cơ quan, phòng ban liên quan của tỉnh, huyện, các Hợp tác xã (HTX) điển hình trong tỉnh, các công ty, trung tâm, cơ sở sản xuất mạ khay, máy cấy trong và ngoài tỉnh….

Qua báo cáo tại hội thảo cho thấy, cơ giới hóa khâu gieo cấy được chú ý phát triển ở Hải Dương từ năm 2010 thông qua mô hình “Gieo hạt bằng công cụ sạ hàng” với 150 công cụ, sạ hàng cho trên 100 ha/vụ. Năm 2012, mô hình “Cấy lúa bằng công cụ kéo giật tay hoặc chạy bằng ắc quy” được áp dụng, đến nay có khoảng trên 2.000 công cụ, cấy cho khoảng 1.200 ha/vụ. Năm 2013, mô hình “Cấy lúa bằng máy cấy” bắt đầu được đưa vào Hải Dương, đến nay có khoảng 44 máy cấy, cấy cho khoảng 1.000 ha/vụ. 

Tại Hội thảo, qua đánh giá ưu nhược điểm của các loại hình cơ giới hóa khâu gieo cấy, các đại biểu tham dự khẳng định: Việc áp dụng cấy máy đã tăng năng suất lao động 30- 40 lần so với cấy tay; giảm chi phí khâu gieo cấy và phòng trừ sâu bệnh; tăng năng suất và hiệu quả sản xuất lúa trung bình trên 30% so với cấy tay. Cấy máy có thể coi là giải pháp đột phá để tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và giải quyết bài toán thiếu lao động trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, Hải Dương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển máy cấy như: Cơ cấu lao động đang chuyển dịch dần từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, dẫn đến thiếu lao động cho sản xuất nông nghiệp; Việc dồn điền đổi thửa đến hết năm 2016 đã cơ bản hoàn thành; Các HTX Dịch vụ nông nghiệp đã được củng cố và hoạt động ổn định…

Từ thực trạng và những thuận lợi như trên, Hội thảo thống nhất mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu toàn tỉnh đạt 3.400 ha/vụ diện tích cấy máy; đến năm 2025, diện tích cấy máy toàn tỉnh đạt 13.750 ha/vụ. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, các đại biểu thảo luận và thống nhất 04 giải pháp phát triển mở rộng diện tích cấy máy:

Về vốn: Tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia, vốn của các tổ chức Quốc tế; tận dụng vốn sự nghiệp khoa học, nông nghiệp; huy động nguồn vốn trong dân và của các doanh nghiệp.

Về cơ chế chính sách: Tiếp tục thực hiện các chính sách của Trung ương về hỗ trợ lãi suất vay vốn mua máy cấy. Đề nghị UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển mở rộng diện tích cấy máy tại Hải Dương giai đoạn 2019-2025, những chính sách hỗ trợ, khuyến khích cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp và phát triển máy cấy. Đề nghị các công ty, các trung tâm cung cấp máy cấy, thiết bị và dịch vụ máy cấy có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các HTX, tổ dịch vụ và cá nhân cả về kỹ thuật lẫn vật chất để khuyến khích nhân rộng. Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo quyết liệt và có chính sách hỗ trợ thêm để đẩy nhanh tiến độ mở rộng diện tích cấy máy trên địa bàn.

Về kỹ thuật: Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật vận hành máy, kỹ thuật sản xuất mạ khay, kỹ thuật chăm sóc lúa cấy máy,… cho các HTX, tổ dịch vụ, chủ máy và nông dân tại các địa phương lần đầu áp dụng cấy máy để nông dân yên tâm áp dụng trong sản xuất.

Giới thiệu máy cấy lúa cho các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Anh Cương giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch mở rộng diện tích cấy máy, tuyên truyền kế hoạch và kết quả thực hiện; UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch của địa phương, đồng thời chỉ đạo quyết liệt UBND các xã, phường, thị trấn, các cơ quan chuyên môn liên quan mở rộng nhanh diện tích cấy máy trên địa bàn; đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Chính phủ có cơ chế chính sách thúc đẩy mở rộng diện tích cấy máy.

Trao Giấy chứng nhận Cơ sở sản xuất mạ khay đạt tiêu chuẩn 

Trần Cảnh

Khuyến nông Hải Dương