Vụ xuân 2019 với diện tích trên 1600ha rau màu các loại, ngay từ đầu vụ Phòng NN&PTNT huyện và các HTXDVNN đã tuyên truyền, chỉ đạo bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý theo cơ cấu thời vụ. Đặc biệt là đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng lai F1 ngắn ngày có khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất thuận, cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt. Trong nhiều vụ gần đây Gia Lộc đã giải quyết được tình trạng “được mùa rớt giá, được giá mất mùa” bằng cách đa dạng hóa nhiều loại rau màu trên cùng một cánh đồng, một thời vụ, thậm chí là đa dạng ngay trong cùng một thửa ruộng. Việc khai thác quỹ đất cũng được cán bộ và nông dân chỉ đạo, thực hiện một cách khoa học, triệt để hơn trước.

Tại địa bàn xã Hoàng Diệu với diện tích thâm canh 115 ha rau màu các loại ở vụ xuân năm nay, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều cây trồng đã và đang cho thu hoạch. Các cây rau màu ngắn ngày được nông dân đưa vào sản xuất là các cây lai có giá trị kinh tế cao như: su hào, bắp cải, hoa lơ, dưa các loại, bầu, bí,… Qua đánh giá thực tế với cây su hào, bắp cải, súp lơ trừ chi phí nông dân thu lãi từ 5- 8 triệu đồng/sào. Cải xanh, cải dưa thu nhập 4-6 triệu đồng/sào. Đặc biệt là dưa chuột cho thu hoạch nhiều lần với năng suất đạt từ 1,2-1,3 tấn/sào cho thu lãi từ 8- 10 triệu đồng.

Gặp và trao đổi với nông dân Đoàn Bá Thắng, xã Hoàng Diệu ông cho biết, vụ xuân năm nay gia đình ông có 2 vợ chồng ở nhà làm ruộng nên cũng chỉ tập trung vào sản xuất 5 sào rau màu các loại, trong đó ông bà trồng 2 sào dưa chuột diện tích còn lại ông trồng mỗi thứ một ít (bầu, mướp đắng, su hào, rau cải, bắp cải). Bố trí đa dạng như vậy là để ông có thời gian chăm sóc được chu đáo lại dễ quản lý sâu bệnh. Trồng nhiều cây “ngộ nhỡ” hỏng cây nọ còn được cây kia hay cây này tụt giá còn có cây khác kéo lên. Đa dạng như vậy cũng dễ cho ông tiêu thụ nhất là khi cung cấp rau cho các bếp ăn tập thể và tiểu thương hiện nay. “ Mỗi thứ một ít, cái gì cũng có họ đỡ phải đi gom”. Ông phấn khởi chia sẻ, rau màu vụ xuân năm nay giá cả thị trường ổn định và cao đối với tất cả các loại rau. Chỉ tính riêng 2 sào dưa chuột ông bà đã thu về được 18 triệu đồng tiền lãi.

Tại xã Đoàn Thượng với diện tích rau màu vụ xuân năm nay đạt 150 ha, nông dân gieo trồng nhiều cây rau màu khác nhau như: bầu, bí, dưa chuột, dưa hấu, dưa kim, su hào, bắp cải, hoa lơ, cà tím,… Với bầu, bí giá bán dao động từ 6- 12 nghìn/quả, trừ chi phí mỗi sào cho thu nhập 7- 10 triệu đồng.

Cánh đồng rau đến kì thu hoạch của nông dân Gia Lộc

Nông dân Nguyễn Văn Tiến khi đang thu hoạch bầu trên đồng cho biết: Những năm gần đây giống bầu lai được đưa vào gieo trồng đã đem lại năng suất cao rõ rệt, cây bầu lại khỏe hơn cây dưa nên thâm canh rất dễ. Mặt khác, trồng bầu, bí, mướp sẽ tận dụng được cả khoảng không đường mương máng nước nên khai thác đất được triệt để hơn, nhất là những vùng đất chuyên canh (tấc đất tấc vàng) như quê ông. Quả bầu lai có kích thước vừa phải, nhiều cùi, ít hạt, chất lượng ngon, thơm nên người tiêu dùng rất ưa chuộng đặc biệt trong dịp hè năng nóng này nên thu hoạch đến đâu bán hết đến đó, nhiều hôm còn khan hàng. Ông phấn khởi cho biết thêm, với 06 sào rau màu các loại mà gia đình ông canh tác vụ xuân này chắc chắn sẽ thu lãi trên 40 triệu đồng với thời gian chỉ trong vòng 2 - 2,5 tháng mà cũng chỉ cần 2 nhân công chăm sóc thường xuyên. “Làm ruộng tuy vất vả ngoài trời nhưng bù lại không phải liên tục 8 tiếng/ngày, mình lại chủ động được thời gian, xoay vòng lại ngắn” - ông bộc bạch. Thế mới thấy cái hay, cái tự do tự tại của nghề làm ruộng.

Ông Lê Đình Dũng - Phó phòng NN&PTNT cho biết, trong trồng trọt huyện Gia Lộc phát triển rau màu là chính. Đây cũng là thế mạnh của cả huyện và là truyền thống bao năm của nông dân huyện nhà. Vì vậy, để khai thác đất một cách hợp lý lại tăng giá trị cho nông dân trên một diện tích đất canh tác đòi hỏi hàng vụ, hàng năm các cơ quan chuyên môn phải tuyên truyền tích cực, chỉ đạo giám sát thường xuyên để nông dân yên tâm sản xuất. Cơ cấu thời vụ, cây trồng hợp lý, áp dụng các giống mới ngắn ngày, có giá trị kinh tế cao là việc làm thường xuyên của Phòng Nông nghiệp huyện nhằm thúc đẩy và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Có thể nói việc đang dạng hóa các cây rau màu ngắn ngày là một kế sách của cán bộ và nông dân Gia Lộc.

Trần Thị Liên

Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Nam Sách, Hải Dương