Những năm vừa qua, sản xuất nông nghiệp, thủy sản huyện An Dương có bước phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo quy hoạch, gắn với nhu cầu thị trường. Huyện cũng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chuyển đổi đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao. Công tác chuyển giao, ứng dụng công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến được áp dụng sâu rộng và được đẩy mạnh.

Đến nay toàn huyện trồng được hơn 350 ha hoa, cây cảnh, bao gồm cây cảnh và các loại hoa chậu, hoa cắt cành, tập trung nhiều ở 5 xã/thị trấn: Đồng Thái, Hồng Thái, Đặng Cương, Lê Lợi, thị Trấn An Dương và mở rộng sang một số địa phương khác như: Quốc Tuấn, An Hưng, Tân Tiến… Bên cạnh việc phát triển một số chủng loại hoa cây cảnh truyền thống, địa phương còn phát triển các loại hoa cao cấp cắt cành phục vụ thị trường tiêu dùng hàng ngày và vào các dịp lễ, tết, như: đào cảnh, quất cảnh tại xã Đồng Thái; đào thế, hải đường tại xã Đặng Cương; hoa hồng cổ Hải Phòng tại xã Hồng Thái; hoa lan tại thị trấn An Dương; hoa Lyly, loa kèn tại xã Đồng Thái, Tân Tiến, An Hưng…

Đối với chủng loại hoa cắt cành, diện tích hàng năm toàn huyện đạt hơn 60 ha, gồm: hoa Lyly, loa kèn, lay ơn, cúc, hướng dương… Các loại hoa chậu gồm có hoa hồng cổ Hải Phòng, hoa sứ… Thu nhập bình quân của những hộ trồng hoa cây cảnh tại An Dương đạt từ 100 triệu đồng/năm trở lên, những hộ trồng và kinh doanh lớn doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Hàng năm, doanh thu về hoa, cây cảnh toàn huyện ước đạt trên 180 tỷ đồng.

Thấy được hiệu quả từ việc trồng hoa, cây cảnh nên hàng năm diện tích hoa, cây cảnh của huyện tăng lên đáng kể, năm sau cao hơn năm trước từ 15-20%, dự kiến đến năm 2020 diện tích trồng hoa cây cảnh toàn huyện đạt 450- 500 ha (chiếm 16- 18% diện tích cấy lúa). Bên cạnh đó, các nhà vườn cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao hiểu biết khoa học kỹ thuật để phòng trừ sâu bệnh đúng lúc mà vẫn tiết kiệm và hiệu quả.

Hiện nay, huyện An Dương đã xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho một số làng  hoa, cây cảnh để có hướng duy trì, phát triển diện tích phù hợp. Toàn huyện có 05 làng nghề hoa cây cảnh: Làng Minh Kha (xã Đồng Thái), làng Kiều Trung (xã Hồng Thái), làng Tri Yếu, làng Đồng Dụ (xã Đặng Cương), làng Lương Quy (xã Lê Lợi). Giai đoạn (2018- 2020), huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho 03 sản phẩm: Đào cảnh - Đồng Thái; Hoa Hồng cổ - Hồng Thái; Hải Đường - Đặng Cương.

Thời điểm này, tại các xã Đồng Thái, Hồng Thái, Đặng Cương - những địa phương được coi là “trung tâm sản xuất hoa cây cảnh” của huyện An Dương, không khí sản xuất rất tích cực. Hiện các xã, thị trấn đã trồng xong toàn bộ diện tích đào, quất, hải đường và chuyển sang công tác chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại.

Các gốc đào thế tại làng hoa Đồng Dụ, xã Đặng Cương đang trong thời gian chăm sóc để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới

Có thể nói việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh là hướng đi đúng đắn của chính quyền và nhân dân huyện An Dương. Qua đó đã nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, năm 2018 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 42 triệu đồng/người/năm, giá trị trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp đạt 189,5 triệu/ha, đã góp phần hoàn thành tiêu chí thu nhập trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Song để việc chuyển đổi cơ cấu được ổn định, phát triển lâu dài, nhân dân cần tập trung phát triển diện tích trồng hoa theo chiều sâu, thâm canh và đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đặc biệt là công nghệ nhà lưới, nhà lạnh để giảm thiểu rủi ro về thời tiết, dịch bệnh.

Nguyễn Hương Giang

TT Khuyến nông Hải Phòng