Đến dự buổi hội thảo có đại diện Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, các cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật cùng hơn 30 nông dân trồng lúa huyện Châu Thành A và thành phố Vị Thanh.

Trong vụ hè thu 2016, mô hình được thực hiện tại ruộng của 2 hộ nông dân là: ông Trần Văn Sól (xã Vị Tân, TP. Vị Thanh) quy mô 2.600 m2 đất lúa, trồng bắp (giống ADI 603) 2.000 m2, diện tích còn lại trồng thử nghiệm cây mè và cây đậu xanh và ông Diệp Văn Khỏe (xã Nhơn Nghĩa A, H.Châu Thành A) quy mô 3.000 m2 đất lúa, trồng bắp (giống siêu dẻo F10) 2.000m2, còn lại trồng mè và đậu xanh.

Tham quan mô hình 2 lúa 1 màu thích ứng biến đổi khí hậu tại xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh

Kết quả cho thấy các đối tượng cây trồng như bắp, mè và đậu xanh thích nghi tốt trên vùng đất lúa nơi thực hiện mô hình, cây ít sâu bệnh và phát triển tốt. Sau khi tính toán, ước thu nhập của mô hình trồng màu chuyển đổi trên đất lúa đạt từ 4,7 - 6,0 triệu đồng/1.000m2, sau khi trừ chi phí lãi từ 1,7 - 2,0 triệu đồng/1.000 m2. So với trồng lúa trong điều kiện hạn hán vào đầu vụ và hiện tượng mưa lớn vào cuối vụ như vừa qua tại Hậu Giang thì lãi cao hơn từ 0,8 - 1,6 triệu đồng, do lúa bị đổ ngã nhiều năng suất thấp, chi phí thu hoạch cao trong khi thương lái thu mua giá thấp.

TS. Huỳnh Quang Tín, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cho biết: “Thực hiện gieo trồng đa dạng và thu hoạch an toàn là chuyển đổi cơ cấu cây trồng ít ảnh hưởng năng suất, giá thị trường và phải có lãi (trong điều kiện biến đổi khí hậu). Về cây mè, thời gian sinh trưởng ngắn hơn cây lúa, nhu cầu nước ít hơn (thích nghi với thời tiết khô hạn đầu vụ và tránh được mưa vào cuối vụ). Bên cạnh đó, sự đa dạng cây trồng giúp cắt được nguồn bệnh từ vụ trước sang vụ sau”.

Hiện nay, người trồng lúa gặp nhiều rủi ro với điều kiện thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp làm giảm thu nhập và lợi nhuận. Do đó, mô hình 2 lúa 1 màu sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, là một giải pháp tốt để nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đức Tín 

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Hậu Giang