Sau 3 năm triển khai, dự án xây dựng được 21 mô hình tại 8 tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Hòa Bình, Lào Cai, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Cao Bằng. Trong đó có 08 mô hình nuôi cá tầm, 08 mô hình nuôi cá diêu hồng và 05 mô hình nuôi cá lăng.

Mô hình nuôi cá tầm trong lồng thực hiện tại 8 điểm, quy mô mỗi điểm 200 m3. Qua thực hiện cho thất cá tầm sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại các hồ chứa lớn khu vực miền núi phía Bắc. Trọng lượng bình quân sau 12 tháng nuôi đạt 1,8-2,0 kg/con; Tỷ lệ sống đạt trên 80%. Riêng tại tỉnh Tuyên Quang, mô hình cá tầm đạt trên 2 kg/con, năng suất đạt trên 21 kg/m3.

Mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng đạt kết quả như sau: Trọng lượng bình quân sau 6 tháng nuôi đạt từ 600-700 kg/con; tỷ lệ sống khoảng 80%, năng suất thu được trên 44,0 kg/m3. Mô hình đạt yêu cầu dự án.

Đối với mô hình nuôi cá lăng trong lồng tại 5 điểm, mỗi điểm có quy mô 200m3, kết quả cho thấy: sau 10 tháng nuôi, trọng lượng bình quân cá đạt 1,5-1,8 kg/con, tỷ lệ sống đạt trên 80%, năng suất đến thời điểm nghiệm thu đạt trên 12 kg/m3.

Cũng trong 3 năm triển khai, dự án đã tổ chức được 21 lớp tập huấn cho các học viên tham gia mô hình và các hộ xung quanh với số lượng 630 học viên. Ngoài ra, dự án cũng đào tạo ngoài mô hình cho 648 học viên. Qua tập huấn, các học viên nắm được những bước chuẩn bị lồng bè, kỹ thuật nuôi cá đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tham dự hội thảo tổng kết, các đại biểu đã đến thăm mô hình nuôi cá trong lồng bè tại xã Kim Lư, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn và được nghe báo cáo đánh giá, chia sẻ các kết quả, hiệu quả đạt được của dự án sau 3 năm triển khai thực hiện.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi cá lồng bè 

Về mặt kinh tế, các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các đối tượng nuôi khác. Lợi nhuận thu được bình quân trên 600.000 đồng/m3. Thực hiện mô hình giúp tăng thu nhập cho người nông dân quanh khu vực lòng hồ. 

Về mặt xã hội, dự án góp phần nâng cao kiến thức, trình độ tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới của bà con nông dân. Sản phẩm cá tầm, cá lăng, cá diêu hồng sản xuất ra có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng. Qua việc thực hiện mô hình, người dân quanh vùng có trách nhiệm bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường tự nhiên để nuôi trồng thủy sản.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã giải đáp, trả lời câu hỏi của đại biểu tham dự về những nội dung như: Kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá, lựa chọn con giống, cơ sở cung cấp giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh cho cá đảm bảo uy tín, chất lượng; Những đối tượng nuôi đang được thị trường ưa chuộng; Đầu ra của sản phẩm; Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cơ chế chính sách xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác, chuỗi sản xuất tại địa phương...

Để nghề nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa phát triển bền vững, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc TTKNQG đã tổng kết các giải pháp sau:

- Tăng cường công tác quản lý chất lượng cá giống; Đầu tư nghiên cứu sinh sản nhân tạo các loại giống thủy sản nước ngọt chất lượng, năng suất cao, sức đề kháng tốt, kháng bệnh.

- Tăng cường tập huấn kỹ thuật, tổ chức các điểm trình diễn mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa cho nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm, nhằm tăng hiệu quả sản xuất.

- Thả cá đúng thời vụ, chọn đúng đối tượng, đúng kích cỡ quy định sẽ làm tăng tỷ lệ sống, cá sinh trưởng nhanh hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn.

- Các tỉnh miền Bắc thường hay xảy ra mưa lũ vào thời điểm tháng 6-10 hàng năm và mùa đông kéo dài, vì vậy các hộ cần chuẩn bị tu sửa, gia cố lồng bè chắc chắn hoặc có thể tiến hành thu hoạch sớm để hạn chế rủi ro.

- Hỗ trợ các cơ sở nuôi thành lập các Hợp tác xã nuôi trồng để liên kết lại và hình thành mô hình liên kết phát triển nuôi cá lồng bè theo chuỗi giá trị để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, bảo vệ người sản xuất, nhà chế biến và người tiêu dùng.

- Đề nghị Bộ Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ kinh phí để xây dựng các mô hình nuôi cá lồng hồ chứa cho các năm tiếp theo ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đặng Xuân Trường

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia