Khi tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 50% chi phí mua con giống, thức ăn hỗn hợp, vắc-xin, men vi sinh. Ngoài ra, các hộ được tham dự các khóa tập huấn về quy trình kỹ thuật nuôi, xây dựng chuồng trại phòng trị bệnh, xử lý chất thải chăn nuôi, sử dụng kháng sinh có trách nhiệm và ghi chép sổ sách nhật ký mô hình.

Qua hơn 04 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng bình quân 1,7 kg/con, tỷ lệ nuôi sống 88%, hệ số tiêu tốn thức ăn 3,25 kg thức ăn/kg trọng lượng. Giá thành cho 1 kg thịt là 58.000 đồng, với giá bán 70.000 đồng, tổng lợi nhuận toàn mô hình là 107.712.000 đồng.

Theo ông Võ Văn Sùa, hộ tham gia mô hình tại ấp An Thạnh, xã Mỹ An Hưng B, để mô hình đạt hiệu quả cao cần phải áp dụng đúng theo quy trình kỹ  hướng dẫn của ngành chuyên môn, nhất là giai đoạn úm gà 03 tuần lễ đầu sau khi nhận gà con. Bên cạnh đó cần phải thực hiện ba sạch đó là ăn sạch, uống sạch, ở sạch và tiêm phòng vắc-xin đúng quy trình. Hạn chế mức tối đa việc sử dụng kháng sinh giai đoạn cuối để tránh tồn dư kháng sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Vườn chăn thả gà của hộ ông Võ Văn Sùa

Mô hình chăn nuôi gà thịt ATSH gắn liên kết tiêu thụ giúp tăng chất lượng thịt, hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó việc sử dụng đệm lót trong sinh học trong chăn nuôi làm phân hủy phân, giảm ô nhiễm môi trường, giảm công lao động trong quá trình chăn nuôi. Qua mô hình bước đầu người nông dân đã tiếp cận được quy trình kỹ thuật nuôi, được trao đổi học hỏi kinh nghiệm và đặc biệt là khâu liên kết tiêu thụ người chăn nuôi không phải lo cho đầu ra sản phẩm và yên tâm sản xuất./.

Nguyễn Trí Tuệ

Trung tâm DVNN&NSNT Đồng Tháp