Dự án có nhiều Hợp phần, trong đó tỉnh Hòa Bình tham gia vào Hợp phần 2 “Quản lý rừng bền vững và REDD+” với 3 mảng hoạt động chính, bao gồm: theo dõi diễn biến rừng bằng máy tính bảng; xây dựng kế hoạch hành động cấp tỉnh về giảm phát thải khí nhà kính do suy thoái rừng và mất rừng (PRAP); thực hiện các hoạt động thí điểm về REDD+.

Đến nay, sau 3 năm triển khai thực hiện, Dự án đã thu được nhiều kết quả nổi bật như kế hoạch hành động về giảm phát thải khí nhà kính do suy thoái rừng và mất rừng đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt và đưa vào thực hiện; việc theo dõi diễn biến rừng bằng máy tính bảng đang được áp dụng trên toàn tỉnh; các hoạt động thí điểm về REDD+ được triển khai tại xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc. Nhìn chung, các hoạt động của Dự án đã đáp ứng được nhu cầu của người dân cũng như các bên hưởng lợi, một số hoạt động đã mang lại những kết quả và tác động tích cực.

Đối với hoạt động quản lý bảo vệ rừng: Dự án đã có những hoạt động cụ thể như:

(1) Thúc đẩy phát triển thể chế và tổ chức: Dự án đã hỗ trợ thành lập 4 Tổ tuần tra bảo vệ rừng tại 8 xóm với tổng số 17 thành viên; cung cấp trang thiết bị (quần áo bảo hộ, mũ, giầy, dao, ống nhòm, bản đồ, la bàn…) cho các Tổ tuần tra bảo vệ rừng để phục vụ công tác tuần tra bảo vệ rừng được tốt hơn. Bên cạnh đó, Dự án cũng đã hỗ trợ để xây dựng Hương ước Bảo vệ và Phát triển rừng tại 13 xóm mục tiêu.

(2) Nâng cao năng lực: Dự án đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho các Tổ tuần tra bảo vệ rừng về phương pháp và kỹ năng tuần tra bảo vệ rừng; tổ chức các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm về tuần tra bảo vệ rừng; tổ chức tập huấn cho các bên liên quan về phòng cháy chữa cháy rừng cùng các trang thiết bị cần thiết.

Dự án đã hỗ trợ thành lập 4 Tổ tuần tra bảo vệ rừng tại 8 xóm với 17 thành viên

(3) Tuyên truyền nâng cao ý thức về bảo vệ rừng: Dự án đã tổ chức các sự kiện truyền thông và tiến hành lắp đặt các áp phích, in ấn các tờ rơi, biển báo để nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ rừng.

Nhờ những hoạt động nêu trên, hiện nay có khoảng 760 ha rừng của các xóm (trong đó có 500ha là rừng phòng hộ và 260ha là rừng sản xuất) đã được bảo vệ tốt, không phát hiện các trường hợp vi phạm có tính chất nghiêm trọng. Một số trường hợp phá rừng và xâm lấn đất rừng với quy mô nhỏ lẻ đã được các Tổ tuần tra bảo vệ rừng phát hiện và xử lý theo đúng quy định hiện hành và Hương ước đề ra.

Đối với hoạt động trồng rừng: Dự án đã hỗ trợ kỹ thuật (tập huấn, tham quan, thiết kế trồng rừng) và cây giống cho người dân trồng rừng. Kết quả đã có khoảng 243.000 cây giống được cung cấp cho người dân để trồng rừng, trong đó có khoảng 60% là cây keo lai và 40% là các giống cây bản địa như trám, sấu, lát, xoan, dổi... Đến nay Dự án đã hỗ trợ trồng được 146 ha rừng trong đó rừng sản xuất chiếm khoảng 70% và rừng phòng hộ chiếm khoảng 30%.     

Với hoạt động phát triển sinh kế (hỗ trợ nuôi ong, trồng rau, trồng cây ăn quả, trồng cỏ chăn nuôi, làm biogas và bếp cải tiến). Ngoài việc tổ chức các chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm, tổ chức các lớp tập huấn, Dự án đã hỗ trợ 249 đàn ong mật (3 đàn ong/hộ) và các vật tư thiết yếu phục vụ nuôi ong mật như: thùng quay mật, chân tầng, bình tạo khói, chai lọ, nhãn mác…cho 87 hộ nuôi ong. Cung cấp gần 6.000 cây ăn quả cho 250 hộ dân, bao gồm các giống như mít Thái, na Thái, táo Đài Loan, nhãn chín sớm...; 98 hộ đã được hỗ trợ giống cỏ chăn nuôi và khoảng 5ha cỏ đã được trồng. Hỗ trợ 20 hộ làm bếp biogas. Dự án cấp tổng số gần 2.000 bếp đun cải tiến tiết kiệm củi cho 1.053 hộ gia đình, chiếm khoảng 98% tổng số hộ mục tiêu của Dự án tại xã thí điểm. Các mẫu bếp được hỗ trợ bao gồm bếp xây cố định và bếp di động, nhằm giúp các hộ gia đình tiết kiệm củi để góp phần bảo vệ rừng.

Ông Bùi Văn Sân, xóm Nhót, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc chia sẻ: Các hoạt động của Dự án đã đáp ứng được nhu cầu của người dân cũng như các bên hưởng lợi. Như với hoạt động nuôi ong, với tổng đàn dự án hỗ trợ ban đầu là 249 đàn ong mật thì đến nay đã tăng lên tổng số trên 700 đàn. Nhà nuôi nhiều 40- 50 đàn, nhà nuôi ít 4- 5 đàn; riêng trong năm 2018 đã cho thu hơn 4.000 lít mật. Các bếp cải tiến do Dự án cung cấp đã giúp tiết kiệm khoảng từ 40-60% lượng củi so với các bếp sử dụng củi thông thường.    

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Điều phối viên Dự án SNRM tại tỉnh Hòa Bình cho biết: Để đạt được mục tiêu đề ra, chúng tôi đề cao vai trò của các bên liên quan như kiểm lâm, phòng nông nghiệp, UBND xã, cộng đồng. Đặc biệt đề cao sự tham gia của cộng đồng, thể hiện ở rất nhiều yếu tố từ tham gia xây dựng các thể chế, đóng góp công sức, tiền mặt vào công tác bảo vệ rừng, tạo quỹ dự án xóm. Tất cả các hoạt động của dự án chúng tôi không cho không mà làm việc trên nguyên tắc huy động sự đóng góp tối đa có thể của bà con, trung bình mỗi một hoạt động của dự án bà con đóng góp 20- 50%. Dự án có rất nhiều mảng hoạt động nhưng chúng tôi tập trung vào các hoạt động chính là quản lý bảo vệ rừng và phát triển sinh kế cho người dân.

Bằng phương pháp tiếp cận phù hợp, Dự án đã huy động được sự tham gia sâu rộng của người dân khi triển khai các hoạt động từ sức người cho đến sức của. Cụ thể, bằng nguồn đóng góp đối ứng của người dân khi hưởng lợi từ các hoạt động của Dự án, đến nay quỹ xóm đã được thành lập tại 13/13 xóm với tổng nguồn quỹ đã thu được khoảng 450 triệu đồng. Quỹ xóm được sử dụng để hỗ trợ cho các Ban quản lý dự án xóm, các Tổ tuần tra bảo vệ rừng xóm, cho vay tín dụng nhỏ…. Điều này phản ánh sự cam kết và sự nhiệt tình tham gia của người dân vào Dự án cũng như khả năng tuyên truyền vận động người dân của đội ngũ cán bộ địa phương tham gia vào Dự án với vai trò là các thúc đẩy viên.

Với những kết quả đã đạt được, cùng sự ủng hộ của Nhà tài trợ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ban Quản lý dự án các cấp, chính quyền địa phương và sự hưởng ứng của đông đảo người dân, tin tưởng rằng Dự án quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn trong thời gian tới./.

Thanh Hằng

Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình