Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, ở thôn Đồng Trắng, xã Mỹ An có 2 mẫu vải chín sớm giống U hồng. Vụ vải thiều năm 2020, nhà bà Sơn là một trong những hộ trồng vải được Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn và UBND xã Mỹ An lựa chọn tham gia thực hiện mô hình phòng trừ sâu đục cuống quả vải thiều.

Nhờ được Nhà nước hỗ trợ 70% giá thuốc BVTV và cán bộ khuyến nông tập huấn chuyển giao kỹ thuật về phòng trừ sâu đục cuống quả như: tạo tán tỉa cành, thu gom các quả rụng bị sâu đục cuống quả gây hại để tiêu hủy, diệt sâu non và nhộng để giảm mật độ sâu trưởng thành; hướng dẫn cách điều tra, nhận biết sâu trưởng thành, sâu đục cuống để phòng trừ đạt hiệu quả cao; cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả… nên gia đình bà Sơn đã áp dụng hiệu quả vào chăm sóc vải của nhà mình.

Nhiều nông dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm phòng trừ sâu đục cuống hại quả vải 

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn phấn khởi cho biết: Năm nay, vườn vải chín sớm nhà bà cho sản lượng đạt khoảng 6 tấn quả, hầu như không có quả nào bị sâu đục cuống. Chất lượng quả vải tốt hơn nhiều so với năm 2019  nên tiêu thụ thuận lợi và được giá cao hơn.

Vụ vải thiều năm 2020, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn đã phối hợp với UBND xã Mỹ An và Doanh nghiệp cung ứng thuốc BVTV Lợi Trang triển khai mô hình phòng trừ sâu đục cuống trên quả vải trên diện tích 61 ha vải sớm U hồng của 149 hộ gia đình thuộc 4 thôn: Đồng Trắng, Tân Giang, An Phú 2, An Phú 3 của xã Mỹ An. Mặc dù việc triển khai mô hình gặp khó khăn là đúng vào thời gian cả nước thực hiện việc giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch Covid – 19 nên cán bộ chuyên môn không tổ chức được lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật mà phải đến từng hộ dân hướng dẫn phổ biến kỹ thuật phòng trừ sâu đục cuống quả vải; nhưng do được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng nên mô hình đã thực hiện thành công. Đến nay, các hộ dân tham gia mô hình đều nắm chắc kiến thức kỹ thuật canh tác.

Vườn vải tham gia mô hình tại thôn Đồng Trắng, xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn gần như không có quả vải nào bị sâu đục cuống

 

Theo ông Lâm Nguyên Năng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn, theo dõi mô hình cho thấy việc thực hiện biện pháp tỉa thưa cành giúp giảm mật độ sâu trưởng thành xuất hiện và sử dụng thuốc BVTV ít hơn 25% lượng nước thuốc so với vườn không tỉa thưa; việc thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu đục cuống trưởng thành xuất hiện rộ tiến hành phun thuốc 2 lần (mỗi lần cách nhau 6 – 7 ngày) đạt hiệu quả cao, tỷ lệ bị hại chỉ dưới 1% và số lần phun thuốc ít hơn 2 lần cho cả vụ. Xét về hiệu quả kinh tế đã tiết kiệm thuốc BVTV và công phun 29 % so với tập quán canh tác thông thường của nhân dân. Đặc biệt, chất lượng quả vải sớm ngon nên bán được giá.

Có thể thấy, mô hình phòng trừ sâu đục cuống trên quả vải được thực hiện đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhân dân. Đề nghị chính quyền địa phương và các hộ dân tham gia mô hình cần tích cực tuyên truyền nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo./.

Đức Thọ

Trung tâm VH-TT&TT Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang