Nhằm phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, tạo ra sản phẩm mang tính hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả có múi gắn với phát triển kinh tế đồi rừng, trong đó cây có múi được xác định là cây trồng chủ lực, được tỉnh hỗ trợ phát triển. Đến nay, một số cây ăn quả có múi đã bước đầu cho thấy tiềm năng, hiệu quả kinh tế, thích ứng trên vùng đất vườn đồi. Đặc biệt, tại các vùng sản xuất cam, bưởi tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nhiều gia đình đã thoát khỏi nghèo, vươn lên làm giàu và không ít gia đình trở thành tỷ phú ngay trên đồng đất quê hương. Bên cạnh đó, các sản phẩm như Cam Cao Phong được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý; Cam Lạc Thủy được đón nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể; Bưởi đỏ Tân Lạc được đón nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể - đây là “đòn bẩy” rất quan trọng giúp sản phẩm cây ăn quả có múi của tỉnh Hòa Bình quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Hòa Bình, những năm gần đây, diện tích và sản lượng cây có múi trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, từ 1.976 ha năm 2013 tăng lên 9.700ha năm 2018, với năng suất 24 tấn/ha, sản lượng đạt 123.000 tấn. Diện tích cây có múi tập trung chủ yếu ở 9/11 huyện, trong đó cam, quýt tập trung ở các huyện: Cao Phong, Lạc Thủy; bưởi ở huyện Tân Lạc. Tại “thủ phủ” cam Cao Phong, diện tích cây ăn quả có múi trên 3.000ha, diện tích kinh doanh 1.300ha, sản lượng ước đạt 36.000 tấn (tăng 3.000 tấn so với năm 2017). Huyện Lạc Thủy có tổng diện tích cây ăn quả có múi 1.045ha (trong đó cam 717ha, bưởi 253ha, chanh 55ha), diện tích kinh doanh 400ha, sản lượng 8.000tấn.

Hiện tỉnh Hòa Bình hiện có gần 10 giống cam, quýt, trong đó chia thành 3 nhóm chính: Chín sớm: cam CS1, quýt Ôn Châu, cam BH/cam Marr... chiếm khoảng 25% diện tích; Chính vụ: cam Xã Đoài và một số giống quýt, chiếm khoảng 45% diện tích; Chín muộn: cam Đường Canh, cam V2, chiếm 30% diện tích.

Nhờ hiệu quả kinh tế của cây có múi mang lại mà đến nay đã xuất hiện rất nhiều những tỷ phú nông dân làm giàu từ mảnh đất quê  hương, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 

Tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả có múi

Ông Hồ Xuân Dũng – Phó chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Với 1ha cam như hiện nay, người dân có thu nhập từ 400 – 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả như vậy thì các nhà vườn phải tuân thủ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn. Hiện toàn huyện Cao Phong có khoảng 800ha cam, quýt được cấp chứng nhận VietGAP và dán tem truy xuất nguồn gốc trên quả và bao bì nhằm tránh hàng giả, hàng nhái trà trộn làm mất uy tín sản phẩm cam Cao Phong.

Đối với cây bưởi đỏ, bưởi da xanh tập trung chủ yếu tại các xã dọc quốc lộ 12B của huyện Tân Lạc như: Đông Lai, Thanh Hối, Tử Nê, Ngọc Mỹ, Quy Hậu, Mãn Đức. Năm 2013, diện tích bưởi Tân Lạc chỉ vào khoảng hơn 100ha, đến năm 2018 tăng lên 1.045ha. Với sản lượng 35.000 quả/ha (ước khoảng 30 tấn quả/ha), giá bán hiện tại 15.000 đồng/quả thì 1ha bưởi cho thu nhập 525 triệu đồng. Bưởi Tân Lạc đã được cấp nhãn hiệu tập thể vào năm 2017. Để quản lý, khai thác tốt nhãn hiệu tập thể của cây bưởi, huyện đã tập trung tuyên truyền vận động người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng nông sản sạch. Hiện toàn huyện Tân Lạc có 52ha bưởi được cấp chứng nhận VietGAP. Thời gian tới, huyện sẽ nhân rộng mô hình phát triển theo hướng VietGAP để sản xuất ra nhiều sản phẩm sạch.

Ông Vương Đắc Hùng – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hòa Bình đánh giá: Có thể nói cây ăn quả có múi là cây trồng có nhiều lợi thế phát triển, tại tỉnh Hòa Bình đã hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn, đáp ứng sản xuất hàng hóa. Để phát triển bền vững, nâng cao chất lượng và đem lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, trước hết làm tốt công tác quy hoạch trồng cây ăn quả có múi theo vùng, phù hợp đất đai, khí hậu; Thực hiện các giải pháp về khoa học công nghệ, phát triển các giống có chất lượng, các giống có tính rải vụ, ít hạt đồng thời nhân giống các cây đầu dòng; Sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại kết nối thị trường để sản phẩm cây ăn quả có múi vào được các siêu thị lớn, trung tâm thương mại ở Hà Nội và hướng tới xuất khẩu./.

Đình Thủy

Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình