Tại buổi làm việc, đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã báo cáo kết quả phát triển ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm và công tác phát triển chăn nuôi, phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại Hòa bình

Theo đó, so với năm 2016, năm 2018 tỉnh Hòa Bình có số lượng đàn trâu tăng 1,52%, đàn bò tăng 5,11%, đàn gia cầm tăng 2,39%, đàn dê tăng 11,38% riêng đàn lợn giảm 17,63%. Trên địa bàn tỉnh có 03 trang trại chăn nuôi bò có quy mô từ 500-5000 con bò sinh sản và bò thịt; 37 trang trại chăn nuôi lợn nái và hậu bị quy mô khép kín từ 300-3.000 con (cung cấp khoảng 322.500 con lợn giống và 51.100 con lợn hậu bị/năm). Hiện có 68 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô từ 1.500 - 10.000 con gà thương phẩm/chuồng/lứa, sản xuất 10 triệu con gà giống/năm và khoảng 16 triệu quả trứng thương phẩm/năm. Chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh Hòa Bình phát triển tương đối ổn định, đa dạng các sản phẩm chăn nuôi theo hướng hàng hóa, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và thu nhập cho người chăn nuôi.

Đoàn công tác đã thăm mô hình chăn nuôi bò thịt theo chuỗi khép kín của Công ty cổ phần Giống và Thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình tại xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình.

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, khu liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phế phụ phẩm nông nghiệp và trang trại sản xuất bò giống chất lượng cao của công ty gồm: Khu liên hợp sản xuất thức ăn gia súc từ phụ phẩm nông nghiệp hỗn hợp hoàn chỉnh, công suất 200-210 tấn/ngày và công nghệ phối trộn (TMR); Trang trại bò giống chất lượng cao và trại bò thịt với quy mô 1.200 con bò giống và 3.800 bò vỗ béo.

Đoàn công tác tham quan khu sản xuất thức ăn gia súc TMR từ phụ phẩm nông nghiệp

Ngoài ra, đoàn cũng thăm dự án khu liên hợp trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất thực phẩm sạch tại xã Sủ Ngòi, TP Hòa Bình với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng. Dư án đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang nuôi 900 con bò thịt, 500 con bò Wagyu (giống bò đã làm nên thương hiệu thịt bò Kobe Nhật Bản nổi tiếng thế giới) và 500 bò sinh sản, trong đó đã hình thành chuỗi liên kết với 10.000 hộ dân tham gia cung cấp phế phụ phẩm trong nông nghiệp và trồng cỏ làm nguyên liệu, đồng thời liên kết trong chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, chăn nuôi đại gia súc theo quy mô công nghiệp khép kín tại tỉnh Hòa Bình là hướng đi đúng trong phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới. Cần tiếp tục hoàn thiện mô hình này để nhân rộng thời gian tới, tạo điều kiện liên kết với nông dân tận dụng và khai thác có hiệu quả các phụ phẩm trong nông nghiệp. Tạo sinh kế cho các hộ chăn nuôi đã và đang chịu thiệt hại bởi dịch tả lợn Châu Phi chuyển hướng sang đối tượng mới là gia súc ăn cỏ, giải quyết bài toán khan hiếm thực phẩm cuối năm nay.

Bộ trưởng khẳng định, chăn nuôi đại gia súc là một trong những xu hướng chủ đạo của ngành chăn nuôi trong 10 năm tới, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn về chăn nuôi ở nhiều địa phương và sự mất cân đối trong sản xuất thực phẩm của ngành chăn nuôi lợn thời gian qua./.

Nguyễn Thị Hải

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia