Trồng thử nghiệm củ cải Hàn Quốc tại HTX rau an toàn xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc, Hòa Bình

Việc sản xuất rau su su được bắt đầu triển khai từ năm 2008. Qua đánh giá sau 10 năm phát triển tại các xã vùng cao đã cho thấy su su là loại cây trồng phù hợp và cho giá trị cao nhất so với các loại cây trồng khác. Tính đến thời điểm này tổng diện tích trồng rau su su của huyện Tân Lạc là 52ha, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Quyết Chiến với diện tích 48ha, xã Lũng Vân 4ha. Năng suất bình quân 63 tấn/ha/năm, sản lượng trên 3.200 tấn/năm. Giá bán bình quân 4.000 đồng/kg, thu nhập 252 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, rau su su đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể su su Tân Lạc. Hiện hàng ngày rau su su cho thu hoạch trên 15 tấn, trong đó chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo tại các xã vùng cao.

Từ năm 2016, được sự hỗ trợ của tổ chức GNI (Hàn Quốc), huyện Tân Lạc đã tiến hành trồng thử nghiệm tại xã Quyết Chiến và xã Lũng Vân một số loại rau nguồn gốc ôn đới như củ cải Hàn Quốc, hành Hàn Quốc, cải thảo, cà chua, xà lách xoăn, cải bắp với diện tích gần 3ha. Các loại rau nêu trên được trồng vào vụ xuân và xuân hè nhằm tạo ra nguồn cung cấp rau ôn đới trái vụ. Dù mới bắt đầu thực hiện nhưng mô hình cũng đã thành công với những kết quả bước đầu khả quan. Với việc xây dựng mô hình theo phương pháp tham gia khuyến nông, có sự hợp tác chặt chẽ giữa GNI, tư vấn công nghệ, chính quyền địa phương và nông dân, các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Về năng suất, khối lượng củ cải giống Hàn Quốc vượt trội hơn nhiều so với giống của Việt Nam, năng suất ước đạt 71-73 tấn/ha, trong khi của Việt Nam chỉ đạt 38 tấn/ha. Cà chua cho năng suất từ 47 - 50,1 tấn/ha, xà lách 16,9 tấn/ha. Đối với cải thảo, cải bắp dự kiến năng suất cao, chất lượng tốt. 5 tháng đầu năm 2017, sản lượng thu hoạch trung bình 10 tấn/ha, giá trị sản phẩm 200 triệu đồng/ha, sản phẩm đã được giới thiệu tại thành phố Hà Nội, thành phố Hòa Bình.

Để thuận lợi đầu ra cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm, vào tháng 4/2017 Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Quyết Chiến được thành lập và đi vào hoạt động với mục tiêu sản xuất và cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn, tạo thu nhập ổn định bền vững cho mọi thành viên, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhờ vậy, khi hợp tác xã được thành lập đã có 39 hộ gia đình tham gia. Hộ trồng ít 200- 300 m2, hộ nhiều 3.000-  4.000 m2.

Chị Đinh Thị Quyết - Giám đốc HTX rau an toàn xã Quyết Chiến cho biết: Trước đây, người dân ở địa phương chủ yếu trồng ngô, lúa nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Từ khi có dự án đưa về bà con đã chuyển đổi sang trồng cây su su lấy ngọn và tham gia trồng thử nghiệm rau ôn đới trái vụ. Với rau su su năng suất thu hoạch bình quân đạt khoảng 70 - 80kg/1.000m2.  Sản phẩm thu hoạch đến đâu là tiêu thụ hết đến đó. Với giá bán hiện tại 4.000 đồng/kg thì 1.000m2 trồng su su lấy ngọn cho hiệu quả kinh tế không dưới 3 triệu đồng/tháng, vào thời điểm thu hoạch rộ thì thu nhập đạt 5- 6 triệu đồng/tháng.

Đối với các loại rau ôn đới trái vụ, nhờ được tập huấn kỹ thuật và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình của dự án nên rau sinh trưởng và phát triển tốt, sản phẩm được bán với giá dao động từ 8.000 - 12.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập khá cho bà con nông dân. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại cao, bên cạnh việc phát triển rau su su, HTX cùng với bà con nông dân sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau trái vụ từ 2,5 ha hiện nay lên 5ha trong thời gian tới và trồng đa dạng các loại rau nhằm đem lại lợi nhuận cho bà con và mang đến sản phẩm sạch cho người tiêu dùng

Cùng với rau su su, các loại rau ôn đới đang mở ra hướng phát triển mới cho người dân vùng cao Tân Lạc. Tuy nhiên, do chi phí vận chuyển lớn, lại phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại từ các địa phương khác nên giá sản phẩm chưa cao. Nguồn nước tưới chưa chủ động được. Hợp tác xã hiện chưa có nhà sơ chế; việc thu hoạch, sơ chế thực hiện tại nhà ở của các hộ dân dẫn đến sản phẩm chưa đồng nhất về mẫu mã, ít nhiều ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhãn hiệu hàng hóa tập thể “Su su Tân Lạc” đã được đăng ký chứng nhận, nhưng công tác quảng bá sản phẩm còn hạn chế, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao.

Định hướng thời gian tới, huyện Tân Lạc sẽ tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm rau. Hỗ trợ các Hợp tác xã nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh. Quy hoạch lại vùng sản xuất rau su su khoảng 100 ha tại xã Quyết Chiến, Lũng Vân, Nam Sơn, Ngổ Luông. Mở rộng diện tích trồng rau ôn đới, dự kiến khoảng 20 ha với sự tài trợ của tổ chức GNI thông qua dự án phát triển nông thôn huyện Tân Lạc gắn với phát triển rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP./.

Thanh Hằng

Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình