Năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thực hiện Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững UBND xã Thượng Bì đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Ớt Việt Nam triển khai mô hình trồng ớt xuất khẩu. Công ty đã cung cấp giống ớt cay lai F1 số 20 đưa vào trồng trên diện tích 4 ha với 36 hộ tham gia tại xóm Nè.

Mô hình được triển khai trồng từ tháng 10, thời gian sinh trưởng, phát triển khoảng 70 ngày là cây ớt cho thu hoạch. Là lần đầu tiên cây ớt được đưa về trồng tại địa phương nhưng được đánh giá là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và nông dân làm quen với cây ớt không mấy bỡ ngỡ. Các hộ khi tham gia đã được công ty tập huấn quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh...

Giống ớt cay lai F1 số 20 phù hợp với đồng đất và khí hậu nên cây sinh trưởng xanh tốt, cho trái nhiều, mẫu mã quả đẹp. Đến thời điểm này cây ớt đã cho thu hoạch 3 lứa quả, năng suất trung bình đạt từ 1 – 1,3 tấn quả/sào (1 sào = 360 m2). Giá bán cho công ty hiện tại là 10.000 đồng/kg (giá bao tiêu thấp nhất là 5.000 đồng/kg). Nhờ có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên bà con yên tâm sản xuất không lo đầu ra bị thương lái ép giá…

Mô hình trồng ớt xuất khẩu tại xóm Nè xã Thượng Bì cho thu nhập cao

Ông Bùi Văn Tú – Chủ tịch UBND xã Thượng Bì cho biết: Lúc đầu triển khai nhiều hộ còn e ngại, nhưng khi được tuyên truyền bắt tay vào thực hiện các hộ thấy được hiệu quả và rất phấn khởi. So với cấy lúa, trồng ngô thì cây ớt này cho hiệu quả cao gấp 3 lần. Việc chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây trồng mới đang là một hướng đi đúng. Theo đánh giá thì mỗi 1ha trồng ớt người dân thu được 250 triệu đồng (1ha thu hoạch được 25 tấn quả). Từ thành công của mô hình, trong năm 2018 xã sẽ tiếp tục nhân rộng ra các xóm khác với diện tích khoảng 8 ha nhằm tăng thu nhập cho các hộ./.

Đình Thủy

Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình