Người đầu tiên đưa được hai giống lúa chất lượng cao ST24 và ST25 về trồng thử nghiệm trên đất Bình Định, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty CP giống cây trồng Bình Định, chia sẻ: Các giống lúa ST24, ST25 do nhóm nghiên cứu gồm Anh hùng Lao động - Kỹ sư Hồ Quang Cua, và cộng sự lai tạo thành công; những giống lúa này cho ra sản phẩm gạo ngon “nhất nhì thế giới”. Chính vì vậy, nguồn cung ‘giống chuẩn” để đưa vào sản xuất hiện nay rất khan hiếm nên chúng tôi đã vào tận Trại nghiên cứu và sản xuất giống lúa Hồ Quang (TT. Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) của Kỹ sư Hồ Quang Cua để tham quan, học tập và đưa được hơn 400 kg giống lúa ST24 và ST25 về sản xuất thử trên đồng đất của Bình Định ở vụ Đông Xuân 2020-2021.

Bà Trương Thị Thúy Ức, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn, cho biết: "Được sự quan tâm của Lãnh đạo địa phương, sự giám sát, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn các cấp, vụ Đông Xuân 2020-2021, chúng tôi đã mạnh dạn phối hợp với Công ty CP giống cây trồng Bình Định, chính quyền các địa phương tổ chức triển khai mô hình sản xuất thử nghiệm hai giống lúa ST24 và ST25. Thông qua mô hình, chúng tôi sẽ bố trí cán bộ kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lúa để đứng chân địa bàn theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng, phát triển, sâu bệnh hại cũng như áp dụng thử quy trình chăm sóc (từ gieo sạ, bón phân, tưới nước, các giai đoạn sinh trưởng) ghi chép lại toàn bộ quá trình để có cơ sở đánh giá, điều chỉnh quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu của Bình Định".

Trao đổi thêm về quy trình sản xuất hai giống lúa ST24 và ST25, ông Nguyễn Văn Hòa chia sẻ thêm: Qua tham quan, học tập ở “tận nơi” sản xuất của hai giống lúa này, chúng tôi đã được khuyến cáo rất “kỹ lưỡng” về quy trình chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Theo đó, hai giống lúa ST24 và ST25 có khả năng thích nghi rộng trên nhiều chân đất và tính chịu mặn, chịu phèn khá; về mật độ trồng không nên gieo sạ quá dày, chỉ cần 4,5-5 kg giống/sào (500 m2) là đảm bảo; về bón phân thì cần chú trọng bón đủ phân kali ở giai đoạn nuôi đòng, không được bón quá nhiều đạm, đặc biệt cần phải phun phân bón lá chuyên dùng ở các giai đoạn lúa đẻ nhánh, sắp trổ và sau khi lúa trỗ đều (cong trái me); về sâu- bệnh, hai giống lúa này nhiễm rầy ở mức trung bình khá và đặc biệt là không bị nhiễm bệnh vàng lùn.

Việc triển khai trồng thử nghiệm hai giống lúa chất lượng cao ST24, ST25 đang được xem là những “hoa hậu, á hậu” của các giống lúa hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng, nếu thành công sẽ tạo cơ sở để nhân rộng, bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh Bình Định trong thời gian tới nhằm thúc đẩy việc liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân trên cùng đơn vị diện tích./.

Đinh Văn Toại

Sở Nông nghiệp & PTNT Bình Định