Để định hướng cho sản xuất vụ Đông 2018, ngày 14/9/2018, tại TP. Phú Thọ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp cùng UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức hội nghị “Đánh giá kết quả sản xuất vụ Đông 2017 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông 2018 các tỉnh phía Bắc”. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị

 

Theo thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), diện tích vụ Đông 2017 đạt 388.000 ha, giảm 22.000 ha so với kế hoạch và giảm 12.000 ha so với vụ Đông năm trước. Những cây trồng vụ Đông ưu ấm đều giảm sâu như: ngô giảm 15.000 ha, khoai lang giảm 3.000 ha, đậu tương giảm 2.000 ha… Tuy vậy, giá trị cây vụ Đông đạt khoảng 25.800 tỷ đồng, tăng khoảng 2.000 tỷ đồng so với vụ Đông 2016, vì hầu hết các loại rau giữ giá ổn định và tăng cao hơn năm trước. Nhiều tiến bộ kỹ thuật (TBKT) được áp dụng rộng rãi như kỹ thuật che phủ nilon, kỹ thuật làm đất tối thiểu, gối vụ rau vào lúa mùa sớm, tưới nước tiết kiệm… Nhiều mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất an toàn thực phẩm được khuyến cáo mở rộng, hình thành nhiều chuỗi giá trị cây vụ Đông cho hiệu quả cao… đã góp phần tăng giá trị cây vụ Đông và đi vào sản xuất chuyên canh hàng hóa lớn, phục vụ tiêu dùng và chế biến.

Kế hoạch vụ Đông 2018 được đề xuất 405.000 ha, giá trị đạt 25- 27 nghìn tỷ đồng, giá trị trung bình đạt 65-70 triệu đồng/ha. Mặc dù dự báo vụ Đông 2018 gặp khá nhiều khó khăn như: bão muộn sẽ ảnh hướng xấu đến cây vụ Đông sớm, lượng mưa dự báo thấp và kết thúc sớm hơn trung bình nhiều năm… trong khi vật tư đầu vào cho sản xuất vụ Đông không ổn định và có xu hướng tăng cao; lao động nông thôn ít dần do chuyển sang ngành nghề khác; điều kiện phục vụ sản xuất như hệ thống tưới tiêu, giao thông nội đồng xuống cấp cộng với diện tích sản xuất nhỏ lẻ, doanh nghiệp nông nghiệp ít và yếu sẽ cản trở phát triển cây vụ Đông.

Toàn cảnh hội nghị

 

Tham luận tại hội nghị, một số địa phương nêu lên những hạn chế, khó khăn cho sản xuất vụ Đông như: thực trạng nông dân đang bị già hóa, ít doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp, thời tiết dễ mưa úng đầu vụ… do vậy chỉ đạo sản xuất cần linh hoạt, đa dạng hóa cây trồng, kể cả trồng cây thức ăn chăn nuôi, khuyến cáo kỹ thuật mới như vòm che, nhà màn, nhà lưới… Về chính sách, cần tập trung hỗ trợ cho cả sản xuất cùng các cửa hàng tiêu thụ sản phẩm an toàn, hỗ trợ hộ nông dân tích tụ đất sản xuất quy mô lớn, tập trung, sản xuất hàng hóa…

Một số giải pháp được đề xuất và tập trung chỉ đạo để đạt được kế hoạch đề ra:

- Tập trung chỉ đạo, điều hành của ngành và địa phương cần quyết liệt và đồng bộ từ công tác tuyên truyền, rà soát quy hoạch, tháo gỡ cơ chế về tích tụ ruộng đất, hỗ trợ doanh nghiệp, quản lý vật tư đầu vào sản xuất, khuyến khích áp dụng TBKT vào sản xuất…

- Giải pháp về khoa học kỹ thuật: Trước hết xác định cơ cấu phù hợp giữa nhóm cây trồng ưa ấm và nhóm cây ưa lạnh với thời vụ gieo trồng thích hợp nhất, ứng dụng nhanh các công nghệ mới đã được khẳng định trong sản xuất.

- Cơ chế chính sách tập trung khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cây vụ Đông nói riêng. Đồng thời hỗ trợ để thúc đẩy hình thành các Hợp tác xã kiểu mới theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ để tạo điều kiện hình thành nhiều chuỗi giá trị trong sản xuất cây vụ Đông.

- Tăng cường công tác tư vấn khuyến nông cho nông dân, truyền thông những TBKT mới, gương sản xuất điển hình, mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả để nhân rộng.

TS. Trần Văn Khởi

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia