Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các cục, vụ, viện, trung tâm; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật 63 tỉnh, thành phố; các hiệp hội thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp cùng đông đảo các cơ quan báo chí. Về phía Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có ông Trần Văn Khởi - Q. Giám đốc Trung tâm tham dự hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị

Báo cáo tại hội nghị của Cục Bảo vệ thực vật cho thấy, trong thời gian qua ngành bảo vệ thực vật đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý tổng hợp, tăng cường công tác dự tính, dự báo, điều tra giám sát đối với các sinh vật gây hại chính, sinh vật gây hại mới nổi. Ngành đã tập trung xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất thân thiện với môi trường để triển khai, nhân rộng đến nông dân, cụ thể như: chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và mô hình “công nghệ sinh thái”; chương trình thâm canh lúa cải tiến (SRI); chương trình gieo sạ né rầy; chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường; chương trình sản xuất rau VietGAP. Đặc biệt, bước đầu ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác bảo vệ thực vật: phần mềm quản lý sinh vật gây hại, ứng dụng công nghệ trạm khí tượng tự động dự báo thời tiết, ứng dụng bẫy đèn kết nối camera giám sát; thiết bị phun thuốc điều khiển từ xa…

Trải qua gần 60 năm hình thành phát triển, hệ thống tổ chức ngành bảo vệ thực vật từ trung ương đến địa phương đã được kiện toàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ năng suất cây trồng, ngăn chặn đối tượng kiểm dịch thực vật từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam, quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm góp phần đưa đất nước từ thiếu đói trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp với tổng giá trị trên 36 tỷ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, hiện nay ngành bảo vệ thực vật đang đứng trước tình hình mới, phải đối mặt với một số vấn đề như: biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp có thể làm sinh vật gây hại gia tăng; yêu cầu về an toàn thực phẩm và môi trường trong nước và các thị trường quốc tế ngày càng cao; các nước nhập khẩu dựng rào cản kỹ thuật gây khó khăn trong xuất khẩu nông sản. Cụ thể, hạn hán, lũ lụt, mưa trái mùa, mùa đông ấm, rét đậm kéo dài,… tác động mạnh mẽ đến sản xuất trồng trọt, không những làm ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của cây trồng mà còn làm bùng phát nhiều sinh vật gây hại mới hoặc thay đổi quy luật phát sinh gây hại của sinh vật gây hại, điển hình như bệnh lùn sọc đen, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá hại lúa, bệnh chổi rồng nhãn, bệnh đốm nâu hại thanh long, rệp sáp bột hồng và bệnh khảm lá sắn, sâu đục thân mía loài mới, bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu, châu chấu tre lưng vàng gây hại trên tre luồng mới xuất hiện; sâu năn, bệnh bạc lá, bệnh đạo ôn hại lúa, bọ xít muỗi, bệnh thán thư hại điều tái bùng phát hoặc thay đổi quy luật gây hại.

Hiện nay, đời sống kinh tế ngày càng cao, nhu cầu được sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng trong nước cũng tăng theo. Để thỏa mãn nhu cầu này của xã hội, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp phải khoa học hơn, trong đó chú trọng việc sử dụng cân đối giữa phân bón vô cơ và hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học là vấn đề cần thiết. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay vẫn còn một bộ phận lớn nông dân chỉ quan tâm đến năng suất, lợi nhuận mà không chú ý đến chất lượng nông sản. Vì thế, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và phân bón vô cơ vẫn đang diễn ra ở nhiều địa phương.

Cùng với sự phát triển của thị trường, nhu cầu phải có một khối lượng nông sản lớn, chất lượng đồng đều, đạt tiêu chuẩn trở nên ngày càng bức thiết. Vì vậy, yêu cầu phải hình thành và phát triển các chuỗi liên kết là xu hướng tất yếu để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đưa ra một số định hướng công tác bảo vệ thực vật trong tình hình mới, cụ thể như sau:

- Tổ chức phòng chống sinh vật gây hại trong tình hình mới: Không để xảy ra tình trạng sinh vật gây hại bùng phát trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và an ninh lương thực; đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ mới như phần mềm quản lý sinh vật gây hại, công nghệ trạm khí tượng tự động, bẫy kết nối camera giám sát, phát triển testkit giám định nhanh virus gây bệnh.

- Đẩy mạnh tổ chức và thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ: Liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ là xu hướng tất yếu trong sản xuất hàng hóa, thị trường hóa sản xuất nông nghiệp để đảm bảo có thể quản lý tốt việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nhằm đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm cho sản phẩm nội tiêu cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Liên kết sản xuất còn là yếu tố quan trọng để tổ chức thu gom bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, không để gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, các chuỗi liên kết cũng là tiền đề quan trọng để áp dụng các công nghệ 4.0 vào thực tế sản xuất. 

- Mở cửa thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu: Tiếp tục đàm phán dỡ bỏ kỹ thuật về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm để mở cửa thị trường đối với nông sản Việt Nam. Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để quản lý cùng trồng nhằm duy trì và phát triển tốt các thị trường đã được mở, đồng thời tạo tiền đề vững chắc trong việc mở rộng sang các thị trường mới.

- Quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp: Tiếp tục rà soát, quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu từ khảo nghiệm, đăng ký đến sử dụng. Kiên quyết hoàn thiện đủ các căn cứ khoa học để loại bỏ các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe con người và môi trường ra khỏi danh mục. Phấn đấu đến năm 2021, tăng lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp để sử dụng trong nước ít nhất là 3 triệu tấn/năm và xuất khẩu 0,5 triệu tấn/năm. Rút ngắn 30% số lượng tên thương phẩm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; tăng 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học được đăng ký và sử dụng. Tiếp tục khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, kinh doanh và ứng dụng biện pháp sinh học, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật  sinh học để phòng, chống sinh vật gây hại. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đồng thời rà soát, siết chặt hệ thống phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy để đảm bảo quản lý tốt chất lượng vật tư nông nghiệp. 

Các ý kiến tham luận tại hội nghị của đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh Lâm Đồng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa… các tập đoàn, nhà khoa học đã tập trung nêu những khó khăn, đề xuất các giải pháp về công tác bảo vệ thực vật của đơn vị, địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Việt Nam đã hình thành được hệ canh tác đáp ứng nhu cầu nguồn lương thực đảm bảo trong nước và xuất khẩu; trong đó có vai trò quan trọng của bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, ngành còn những tồn tại, bất cập lớn đó là sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây độc hại cho chính người sản xuất, cộng đồng, giảm sự cạnh tranh sản phẩm, giảm sinh thái môi trường, gây thoái hóa đất đai… trước những thách thức lớn về biến đổi khí hậu sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro dịch bệnh, hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi ngành bảo vệ thực vật phải tiếp tục tái cơ cấu, đổi mới phù hợp với tình hình mới. Bộ trưởng lưu ý, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật không chỉ gây độc hại cho người sản xuất, cộng đồng mà còn làm giảm sự cạnh tranh sản phẩm, ô nhiễm môi trường, gây thoái hóa đất.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị ngành bảo vệ thực vật, trước hết phải giảm về cơ học, đặc biệt phải có lộ trình ngay với nhóm thuốc trừ cỏ, nhóm có độc tố cao được sản xuất đã lâu mà hiện không phù hợp nhiều với vùng sinh thái; nhóm thuốc quá nhiều trên một đối tượng cây trồng, điển hình thuốc bảo vệ thực vật cho cây. Phối hợp cùng các đơn vị kiểm soát, ngăn chặn tình trạng thuốc nhập lậu. Đồng thời chấn chỉnh mạng lưới cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là khâu dịch vụ trung gian. 

Đặc biệt, chúng ta phải tuyên truyền để người sản xuất tham gia sản xuất chuỗi, hình thành vùng sản xuất với các đối tượng cây trồng phù hợp, có các chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt. Hướng các nhà sản xuất, phân phối, người sử dụng vào sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường như thuốc bảo vệ thực vật sinh học để thay thế dần các nhóm thuốc hóa học.

Hải Đường