Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT Nguyễn Xuân Cường, diễn biến dịch bệnh sẽ tiếp tục phức tạp do tăng quy mô đàn, đẩy mạnh vận chuyển gia súc, gia cầm để phục vụ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn vào dịp cuối năm. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị Tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững vào sáng ngày 17/10/2019 tại Hà Nội. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị

Tham dự hội nghị có đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, Hội Thú y, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, chủ trang trại chăn nuôi lợn và cơ quan truyền thông. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có PGS.TS Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm, TS. Hạ Thúy Hạnh - Phó giám đốc Trung tâm tham dự Hội nghị.

Được biết, trước ngày tổ chức hội nghị, ngày 16/10/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức đoàn kiểm tra thực tế tình hình chăn nuôi lợn tại một số cơ sở chăn nuôi đảm bảo điều kiện an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo của Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh của một số địa phương, doanh nghiệp, cá nhân.

Ông Dương Văn Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, để chống dịch hiệu quả, tỉnh Bắc Giang đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần  “Chống dịch như chống giặc”. Nhờ tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, sản xuất theo chuỗi liên kết nên chăn nuôi lợn của Bắc Giang vẫn phát triển ổn định. Tuy DTLCP gây thiệt hại nhưng hiện nay tại Bắc Giang có 335 trang trại (chiếm 74% tổng số trang trại) an toàn, đặc biệt có 2 trại lợn ngoại giống gốc của tỉnh.

Tập đoàn Mavin được biết đến là 1 trong số ít các Doanh nghiệp hoạt động khép kín chuỗi giá trị “Từ Nông trại tới Bàn ăn”. Trong lĩnh vực chăn nuôi lợn, Mavin là một trong ba công ty lớn nhất tại Việt Nam về quy mô. Mavin cũng sở hữu 3 trang trại giống hạt nhân công nghệ cao và gần 100 trại gia công với các đối tác chăn nuôi. Mavin là công ty tiên phong trên thị trường ứng dụng chăn nuôi 4.0 gồm: cho ăn tự động đến từng cá thể, quản lý điều kiện chuồng trại tự động, sử dụng quy trình thiết bị tiên tiến xử lý chất thải bảo vệ môi trường… Trong tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, với các biện pháp và quy trình chăn nuôi, đảm bảo an toàn sinh học chặt chẽ, Mavin là 1 trong số ít các công ty đã giữ vững và bảo toàn được đàn lợn. Tại Hội nghị, ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Tập đoàn Mavin đã chia sẻ về “Bộ ba lớp bảo vệ chăn nuôi lợn trong thời kỳ DTLCP”. Đồng thời, ông cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi khi tái đàn, cần thận trọng, thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo an toàn.

Ông Đỗ Văn Nghĩa, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên có trang trại nuôi lợn nằm giữa vùng Dịch tả lợn Châu Phi nhưng hiện tại đàn lợn vẫn an toàn. Ông chia sẻ việc thiết kế chuồng nuôi lợn khép kín; thức ăn, nước uống và các vật tư đưa vào trại đều được chiếu tia UV khử trùng, thậm trí tiền cũng được khử trùng; kiểm soát chặt chẽ người vào khu chăn nuôi; tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh đầy đủ cho đàn lợn theo quy định; xử lý tốt chất thải chăn nuôi; thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng chuồng trại.

Đoàn công tác Bộ NN tham quan trang trại nuôi lợn của ông Đỗ Văn Nghĩa qua hệ thống camera (ảnh: ĐT)

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo:

- Cần tăng cường công tác phòng chống các loại bệnh cho gia súc, gia cầm, trong đó quan tâm những bệnh chính cho từng đối tượng vật nuôi và dịch tễ từng vùng.

- Tổng vệ sinh, tiêu độc, phát động tháng vệ sinh tiêu độc.

- Tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho vật nuôi.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vận chuyển.

- Các doanh nghiệp lớn cần giữ vững đàn giống gốc, tăng cường biện pháp ATSH, cùng với Bộ tổng kết kinh nghiệm, xây dựng quy trình ATSH.

- Các địa phương rà soát trang trại, gia trại có đủ điều kiện thì được phép tái đàn lợn.

- Tuyên truyền cho người dân về điều kiện tái đàn lợn, tìm sinh kế thay thế cho các hộ chăn nuôi lợn như nuôi gia cầm, gia súc khác, trồng trọt...

- Các cơ quan trực thuộc Bộ cần tiếp thu đầy đủ kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp để bổ sung, chỉnh sửa các quy định.

- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổng kết các dạng mô hình, các kinh nghiệm tốt của các công ty, doanh nghiệp.

Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững.

Liên Hương

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia