Tham gia Hội nghị có đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Điều Việt Nam; đại diện lãnh đạo các địa phương có diện tích trồng điều lớn như: Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận cùng hơn 100 nông dân trồng điều giỏi. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Theo số liệu thống kê và báo cáo từ Sở NN&PTNT các tỉnh, diện tích cây điều cả nước năm 2017 đạt 301.738 ha (chưa tính 39.645 ha điều trồng trên đất rừng của tỉnh Bình Phước), tăng 8.727,4 ha so với năm 2016, trong đó diện tích cho thu hoạch 283.931,4 ha, chiếm 94,10%. Đây là năm thứ hai liên tục diện tích điều tăng sau 8 năm giảm liên tục (từ 440.000 ha năm 2008 xuống còn 290.000 ha năm 2015.

Ngược lại, từ năm 2008 đến năm 2013 năng suất điều luôn duy trì ở mức thấp dưới 10 tạ/ha. Từ năm 2014, khi cây điều được quan tâm và tập trung chỉ đạo, trong đó tập trung thâm canh đã đưa năng suất điều lên trên 12 tạ/ha. Tuy nhiên, năm 2016 do hạn hán năng suất điều đã giảm 16,67%, còn 10,8 tạ/ha và tiếp tục năm 2017 do dịch bệnh năng suất điều đã giảm 31,36%, còn 7,55 tạ/ha.

Trong khi đó, lĩnh vực chế biến - xuất khẩu nhân điều lại ngày càng lớn mạnh. Khối lượng nhân điều xuất khẩu năm 2016 là 346,5 ngàn tấn, kim ngạch đạt 2,84 tỉ USD, tăng 5,6% về khối lượng và 18,4% về giá trị so với năm 2015, là năm có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay, đứng hàng thứ 2 sau cà phê. Chín tháng đầu năm 2017 đã xuất khẩu được 257 ngàn tấn, kim ngạch đạt 2,5 tỉ USD, đạt 99,8% về lượng và 125% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Sau 28 năm tham gia xuất khẩu (1988-2016), ngành điều Việt Nam không ngừng phát triển lớn mạnh, chiếm lĩnh thị trường thế giới, khẳng định được vị thế. Từ năm 2006 đến nay Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới, cho thấy ngành điều Việt nam hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả.

Tuyên dương các nông dân trồng điều giỏi

Tuy nhiên, điều đáng suy nghĩ hiện nay là trên 70% khối lượng điều xuất khẩu là được nhập nội từ Bờ biển Ngà, Campuchia, Nigeria và một số nước khác… và tỉ lệ này ở hai năm 2016 và 2017 còn cao hơn nữa do điều trong nước mất mùa. Về tương lai, các nước này không lâu nữa sẽ phát triển ngành chế biến và không xuất khẩu điều thô như hiện nay. Để khắc phục hạn chế trên, không cách nào khác là phải xác định những tồn tại, hạn chế của sản xuất điều trong nước và tìm giải pháp khắc phục ngay từ bây giờ.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra một số hạn chế trong sản xuất điều của Việt Nam, đó là:

- Diện tích điều đang có xu hướng giảm (năm 2005 là 433.391 ha thì hiện nay chỉ còn 301.738 ha). Trong đó, diện tích điều già cỗi cần tái canh chiếm tỷ lệ lớn. Đây là những diện tích điều phần lớn được quy hoạch, thuộc vùng sản xuất tập trung có điều kiện khí hậu, đất đai, cơ sở hạ tầng phù hợp cho phát triển cây điều, nhưng năng suất bình quân thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao, đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của ngành điều.

- Ngành điều chưa đầu tư thâm canh phù hợp: Thể hiện trước hết trong việc sản xuất điều phân tán, trình độ thâm canh chưa cao, dẫn đến năng suất điều còn thấp, không ổn định và chưa đồng đều giữa các vùng. Mặt khác, công tác chọn tạo giống chưa được quan tâm đúng mức, từ năm 1999 đến nay mới có 13 giống điều được chọn tạo và công nhận cho sản xuất thử, chưa có giống được công nhận chính thức cho sản xuất. Và theo đó, diện tích điều giống mới chỉ đạt 32,3% diện tích điều toàn quốc

- Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sản xuất điều ngày càng nặng nề, những gói kỹ thuật canh tác điều thích ứng trong điều kiện biến đỗi khí hậu chưa được quan tâm đầu tư nghiên cứu.

- Tổ chức lại sản xuất chưa được quan tâm. Liên kết giữa các nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp chưa được thiết lập, người trồng điều khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng; Doanh nghiệp chưa liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu, chưa hình thành hệ thống thu mua điều trực tiếp từ nông dân, giá cả thiếu ổn định, giá nông dân thực nhận thấp hơn nhiều so với giá công bố.

Ý kiến của nhiều địa phương tại Hội nghị đều cho thấy cần thiết phải có bộ giống điều phong phú hơn nữa (trước mắt là yêu cầu các cấp, ngành có ý kiến chính thức về hai giống điều AB29 và AB05-08), đồng thời cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi sản xuất phát triển điều.

Ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam kiến nghị: Về sản xuất điều, trên cơ sở nhận thấy niên vụ điều 2017 gây thiệt hại cho bà con nông dân trồng điều là do bọ xít muỗi, sâu róm đỏ và bọ trĩ phá hại. Do đó, đối với những ổ sâu róm đỏ vẫn đang tồn tại ở hầu khắp các tỉnh trồng điều, đề nghị cần phát hiện và tiêu diệt triệt để nhằm tránh khả năng tiềm ẩn phát thành dịch cho các niên vụ sau. Đồng thời về lâu dài cần có bộ giống tốt, thích nghi tốt hơn với thời tiết cực đoan như các năm gần đây. Mặt khác, cần hỗ trợ nông dân hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp chế biến điều theo hướng sản xuất sạch hơn và hướng đến thị trường. Về chế biến xuất khẩu điều, trên cơ sở nhận thấy doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều gặp rất nhiều khó khăn trong niên vụ 2017, do đó đề nghị Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu để đảm bảo nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu trong các lĩnh vực tín dụng, thuế, hải quan,kiểm dịch thực vật…; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch hơn, đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm. Mặt khác, tăng cường hổ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho sản phẩm điều.

Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kết luận:

1. Năm 2017 là năm sản xuất điều gặp nhiều khó khăn và hội nghị này là nhằm bàn giải pháp cho sản xuất – chế biến điều năm 2018. Đề nghị từng địa phương, mỗi địa phương, tùy theo điều kiện của mình, cần có chính sách để hỗ trợ bà con nông dân đang gặp nhiều khó khăn có thể khôi phục và phát triển các vườn điều.

2. Cục Trồng trọt chủ trì và phối hợp Cục BVTV, Hiệp hội Điều và các Viện nghiên cứu có liên quan (Viện KHKTNN miền Mam, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ và Viên Nghiên cứu Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên) thành lập đoàn khảo sát, đánh giá ngay tình hình sản xuất điều hiện nay và tìm giải pháp để tập trung chỉ đạo.

3. Cục Trồng trọt chủ trì hoàn thiện Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc khôi phục vườn điều xong trước 05/11/2017 để chuyển cho TTKN Quốc gia in và cấp cho các địa phương.

4. Hệ thống khuyến nông và các địa phương cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con nông dân kỹ thuật chăm sóc khôi phục vườn điều.

5. Cục Trồng trọt chủ trì và phối hợp với các địa phương xem xét, có ý kiến chính thức về kết quả triển vọng hai giống điều AB29 và AB05-08.

6. Cục Trồng trọt chủ trì và phối hợp cùng Hiệp hội Điều, các viện, các địa phương có ý kiến về kết quả ghép cải tạo vườn điều.

7. Cục BVTV: Hoàn thành quy trình về quản lý dịch hại trên cây điều, đồng thời cần có kế hoạch giao ban thường xuyên về tình hình sâu bệnh hại điều để có giải pháp chỉ đạo kịp thời.

8. Hiệp hội Điều: Phối hợp cùng Cục Trồng trọt, Cục BVTV và các viện tham gia khảo sát, đánh giá ngay tình hình sản xuất điều hiện nay và tìm giải pháp để tập trung chỉ đạo.

9. Các viện: Cần gắn tất cả các đề tài nghiên cứu, các dự án khuyến nông với các địa phương, với thực tế yêu cầu của sản xuất; đồng thời nhanh chóng khôi phục sức khỏe cho các vườn điều./.

Ngô Văn Đây

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia