Toàn cảnh hội nghị

Thanh Hóa là tỉnh có ngành chăn nuôi gia cầm lớn với đàn gia cầm toàn tỉnh  khoảng 18,3 triệu con, trong đó đàn gà là 13,6 triệu con, đàn thủy cầm và gia cầm khác là 4,7 triệu con, sản phẩm thịt gà hơi khoảng 33 nghìn tấn, trứng gà đạt 112 triệu quả. Tuy nhiên, hiện nay chăn nuôi của tỉnh chủ yếu là chăn nuôi phân tán, tận dụng trong nông hộ (chiếm 80%), năng suất và hiệu quả chăn nuôi chưa cao, công tác quản lý dịch bệnh, an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn.

Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến 2025 của tỉnh Thanh Hóa, thì chăn nuôi gia cầm cần được quan tâm phát triển, từng bước thay đổi căn bản ngành chăn nuôi gia cầm theo hướng nâng cao giá trị, chăn nuôi an toàn dịch bệnh và phát triển bền vững. Để đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 15 triệu con gà được nuôi bằng công nghệ cao, sản lượng thịt gà hơi đạt 47 nghìn tấn và hướng tới xuất khẩu, thì việc tăng cường liên kết, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi và xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh là rất cần thiết.

Báo cáo tại hội nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa về Đề án "Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà, hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018 - 2022" đã đưa ra mục tiêu chung là: Xây dựng được vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và bệnh Niu - cát xơn trên gà tại 3 huyện là Triệu Sơn, Thọ Xuân, Ngọc Lặc và các xã trong chuỗi liên kết. Đề án đưa ra các mục tiêu cụ thể cho từng năm, phấn đấu đến tháng 12 năm 2023 sẽ được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận vùng an toàn dịch bệnh.

Là đơn vị đi tiên phong trong việc xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến chế biến, xuất khẩu thịt gà của tỉnh Thanh Hóa, tại hội nghị, Công ty Cổ phần Nông sản Phú Gia đã báo cáo phương án liên kết chăn nuôi gà phục vụ chế biến xuất khẩu theo chuỗi công nghệ công nghệ cao (Chăn nuôi gà công nghệ cao - 4A: An toàn đầu tư, An toàn dịch bệnh, An toàn thực phẩm và An toàn môi trường). Theo đó, quy mô thực hiện xây dựng 10 - 25 cụm trang trại chăn nuôi gà  theo chuỗi liên kết; mỗi cụm 4 - 10 chuồng, diện tích mỗi cụm trại từ 3 - 5 ha trở lên; số nhà đầu tư trong một cụm 4 - 10 nhà đầu tư/cụm; diện tích chuồng 1.400m2; công suất nuôi 26.000 con/chuồng x 6 lứa/chuồng/năm. Hiện nay, Công ty Cổ phần nông sản Phú Gia đã thực hiện sản xuất con giống với quy mô 120.000 con gà bố mẹ/năm (16 triệu con gà giống/năm), gồm hai loại giống gà lông trắng và gà lông mầu tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân; thực hiện sản xuất thức ăn chăn nuôi tại nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi Phú Gia, công suất 100.000 tấn/năm, công nghệ sản xuất không kháng sinh, chất cấm. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần nông sản Phú Gia đã liên kết với Tập đoàn Master Good (Hungari) thành lập Công ty Cổ phần thực phẩm Viet Avis với chức năng thực hiện giết mổ, chế biến gia cầm có công suất từ 2.500 con/giờ - 8.000 con/giờ, dự kiến đến tháng 11 năm 2018 sẽ tổ chức giết mổ chế biến lô gà đầu tiên, đến tháng 12 năm 2018 sẽ cung ứng các sản phẩm của Viet Avis ra thị trường.

Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Vũ Văn Tám, đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các đại biểu tham quan trang trại chăn nuôi gà của Công ty Cổ phần Nông sản Phú Gia đầu tư xây dựng tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT nhất trí hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp triển khai thực hiện chuỗi dự án này trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đề nghị đơn vị xây dựng lại đề án  là Xây dựng chuỗi thịt gà 4A (An toàn đầu tư - An toàn dịch bệnh - An toàn thực phẩm - An toàn môi trường) hướng đến xuất khẩu và xác định rõ thị trường. Đồng thời, khảo sát thị trường trong nước, các siêu thị, các thành phố lớn, sau đó tính toán đến thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước khác. Thứ trưởng đề nghị Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa thành lập ban chỉ đạo triển khai thực hiện đề án, Bộ sẽ làm việc với các cơ quan chức năng của các nước mà thị trường xuất khẩu của công ty đang hướng tới để đàm phán, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thị trường, đồng thời Bộ sẽ thành lập tổ công tác phối hợp với địa phương để hỗ trợ chủ đầu tư tiếp cận với các chính sách ưu đãi thực hiện phương án này.

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh cho biết, đây là dự án có quy mô tập trung lớn và mới đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, đây là mô hình mới nên cần phải lường trước được những khó khăn để chủ động vượt qua, nhất là trong điều kiện chăn nuôi công nghiệp đan xen với chăn nuôi nhỏ lẻ, rất khó kiểm soát dịch bệnh. Đồng chí nhấn mạnh, đơn vị cần phải xác định lộ trình cụ thể cho từng công đoạn thực hiện đề án, đặc biệt là phải tính đến phương án thị trường tiêu thụ từ nay cho đến khi được OIE công nhận vùng an toàn dịch bệnh và sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu.

Thanh Thúy