Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, góp phần quan trọng để phục hồi, duy trì hệ sinh thái tự nhiên và đáp ứng nhu cầu về thực phẩm an toàn, nhu cầu xuất khẩu để tăng giá trị sử dụng đất đai và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Hiện nay, sản phẩm hữu cơ còn khá mới đối với người tiêu dùng, giá thành sản phẩm hữu cơ còn cao; các tiêu chuẩn đánh giá còn yếu và thiếu, chưa có các hệ thống chứng nhận rõ ràng. Trong khi đó, hầu hết người tiêu dùng còn chưa phân biệt được khái niệm “sản phẩm hữu cơ”, nhiều lúc còn nhầm lẫn giữa sản phẩm sạch và sản phẩm hữu cơ. Nhằm chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm, ngày 05/5, tại Tp. Đà Nẵng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và PTNT Tp. Đà Nẵng đã phối hợp với Câu lạc bộ khuyến nông đô thị tổ chức Hội thảo "chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với liên kết chuỗi tiêu thụ ", với sự tham gia của 18/22 trung tâm khuyến nông, khuyến ngư trong Câu lạc bộ khuyến nông đô thị tham dự.

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, đại biểu các tỉnh đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai, những khó khăn, những giải pháp, đề xuất.

Đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc đã chia sẻ kinh nghiệm thành công trong việc sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm, đó là sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh trong việc quy hoạch vùng rau an toàn, ban hành những cơ chế chính sách thúc đẩy như: Hỗ trợ 100% kinh phí phân tích mẫu đất, nước, chứng nhận các vùng có đủ điều kiện áp dụng VietGAP; Hỗ trợ thí điểm xây dựng mô hình trồng rau hoa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao (500m2/nhà) không quá 200 triệu đồng/mô hình; Hỗ trợ 50% chi phí (không quá 5 tỷ đồng) cho người sản xuất xây dựng 01 mô hình sản xuất rau an toàn theo chuỗi; Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và nông nghiệp; Hỗ trợ 60% chi phí (không quá 3 tỷ đồng/dự án) để xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý chất thải, nhà xưởng, giao thông, điện, nước đối với dự án đầu tư chế biến nông sản; Hỗ trợ 70% chi phí (không quá 2 tỷ đồng/dự án) để xây dựng hệ thống giao thông, điện, tưới tiêu, nhà lưới, thu gom và xử lý chất thải đối với vùng sản xuất rau toàn theo quy trình VietGAP…

Tp. Hà Nội đã xây dựng 65 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ, đã giới thiệu các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với liên kết chuỗi tiêu thụ như: chuỗi thịt lợn hữu cơ Bảo Châu của Cty CP trang trại Bảo Châu; Trang trại Hoa Viên với các sản phẩm hữu cơ như lợn rừng, rau hữu cơ, mỗi năm cung cấp 1 vạn lợn rừng giống, lợn rừng thương phẩm và hơn 300 tấn rau hữu cơ với thương hiệu Đại Ngàn… Ngoài ra, có các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ quy mô nông hộ như các mô hình tại các huyện Ba Vì, Đan Phượng: mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ của gia đình chị Đặng Thị Cuối (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) với diện tích khoảng 3 ha đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Có hệ thống 20 nhà kính với các trang thiết bị hiện đại canh tác các loại rau ăn lá, măng tây, su hào… với sản lượng 3 tạ rau/ngày cho thu nhập trên 100 triệu đồng/tháng.

Chị Đặng Thị Cuối chia sẻ về mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ của gia đình

Nhiều tỉnh thành cũng đã có những mô hình phối hợp với tập đoàn phân bón Quế Lâm để triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và bao tiêu sản phẩm, như Tp. Đà Nẵng với 250 ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; Thái Nguyên với các sảm phẩm chè hữu cơ. Quảng Nam giới thiệu các mô hình nông nghiệp đô thị theo hướng hữu cơ kết hợp với du lịch tại thành phố Hội An như Làng rau Trà Quế.

Hội thảo cũng đã đề xuất các giải pháp để phát triển nông nghiệp theo hữu cơ hiệu quả và bền vững là: Nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phê duyệt quy hoạch, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định chung về kiểm tra, giám sát sản xuất, chứng nhận, nhãn hiệu sản phẩm hữu cơ; có chính sách thông thoáng, hỗ trợ người sản xuất, khuyến khích được doanh nghiệp tham gia và chuỗi tiêu thụ. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, để người sản xuất và người tiêu dùng nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và sử dụng sản phẩm hữu cơ. Tăng cường mối liên kết chuỗi gồm nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn và hỗ trợ đào tạo thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP và nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Hoa Trà