Tham dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu đến từ các thành viên trong Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị. Ông Trần Văn Khởi – Q.Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham dự và chủ trì hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe nhiều tham luận giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) như mô hình xông trùng trong chế biến hạt điều, mô hình chăn nuôi CNC theo quy trình trang trại kín có hệ thống làm lạnh, tự điều chỉnh nhiệt độ, sử dụng máng ăn bằng silo… tại tỉnh Bình Phước. Mô hình 7,5 ha nhà kính sản xuất rau thủy canh, 8 ha nhà lưới và 33 ha rau an toàn cung cấp 07 tấn rau/ngày của Công ty TNHH Vinco Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc). Đối với Lâm Đồng, tỉnh có hơn 54.000 ha nông nghiệp ứng dụng CNC, chiếm 19,5% diện tích đất canh tác; giá trị sản xuất NNCNC đạt 370 triệu đồng/ha; đã và đang quy hoạch 01 khu công nghiệp nông nghiệp, 07 khu NNCNC tập trung và 19 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC cho các cây trồng, vật nuôi với quy mô: diện tích nhà kính 4.400 ha, nhà lưới 1.200 ha, màng phủ nông nghiệp trên 10.000 ha, hơn 27.000 ha ứng dụng công nghệ tưới tự động, bán tự động, 30 ha canh tác thủy canh hiện đại và 50 ha canh tác rau trên giá thể, 51 cơ sở nuôi cấy mô cung ứng trong và ngoài nước hơn 45 triệu cây con giống/năm…. Còn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã xây dựng khu NNCNC với diện tích 88,17 ha tại huyện Củ Chi - đây là nơi triển khai ứng dụng công nghệ nhân giống cây trồng, đào tạo, mô hình trình diễn chuyển giao công nghệ; đang xây dựng khu NNCNC ngành thuỷ sản 89,7 ha tại Cần Giờ, khu NNCNC ngành chăn nuôi 170,4 ha tại Bình Chánh và Trung tâm Công nghệ sinh học với quy mô 23 ha, có chức năng nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, xử lý môi trường, đào tạo, huấn luyện kỹ thuật viên công nghệ sinh học….

Ông Phạm Lâm Chính Văn – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP. HCM chia sẻ: Phát triển NNCNC là xu thế tất yếu của TP.HCM. Để phát triển nông nghiệp, UBND thành phố đã ban hành 22 chương trình, đề án, trong đó có chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và tạo ra các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt (ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô, tăng tỷ lệ cơ giới hoá, tự động hoá vào các khâu sản xuất, ứng dụng công nghệ nhà lưới nhà kính, tưới tự động...), chăn nuôi (công nghệ xử lý chất thải), thuỷ sản (công nghệ Biofloc, xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học) và gắn với chuỗi giá trị sản phẩm an toàn. Với vai trò và nhiệm vụ của khuyến nông, Khuyến nông thành phố đã chủ động liên kết với doanh nghiệp hoạt động sản xuất NNCNC trên địa bàn tiếp nhận và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới cho cán bộ kỹ thuật khuyến nông để từ đó cán bộ khuyến nông tổ chức đào tạo, tập huấn lại cho nông dân làm tốt công tác “cầu nối” đưa KHKT về với nông dân, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tập trung thông tin tuyên truyền tập huấn, hội thảo, tham quan giới thiệu các mô hình điển hình về NNCNC, từ đó gắn kết tiêu thụ đầu vào, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Mở các lớp đào tạo nghề công nghệ cao cho nông dân. Tổ chức xây dựng mô hình theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Hiện đang cố gắng tham mưu cho UBND thành phố ban hành định mức kinh tế kỹ thuật NNCNC và xây dựng mô hình NNCNC điểm để chuyển giao cho nông dân.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao trồng rau thủy canh tại TP. Hồ Chí Minh

Theo các đại biểu, NNCNC là nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững. Công nghệ cao được ứng dụng trong nông nghiệp bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến...), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học; các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao; các quy trình canh tác tiên tiến, canh tác hữu cơ,... cho hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị sản xuất. 

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của các địa phương hiện còn nhiều khó khăn trong quy hoạch vùng sản xuất; quy mô sản xuất của các mô hình còn nhỏ lẻ; chi phí đầu tư cho mô hình CNC lớn, tính rủi ro lại cao nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp, hộ nông dân đầu tư, dẫn đến khó nhân rộng; nguồn nhân lực có trình độ cao để chuyển giao khoa học kỹ thuật còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu; thị trường sản phẩm CNC chưa bền vững, việc tổ chức sản xuất liên kết tiêu thụ sản phẩm vẫn còn hạn chế, việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu còn hạn chế, chưa đáp ứng thị trường xuất khẩu…

Đề xuất giải pháp để nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng được mở rộng, các đại biểu cho rằng hoạt động khuyến nông cần tập trung vào những nội dung sau: Quy hoạch tổng thể, lựa chọn cây con chủ lực, có giá trị kinh tế cao, phù hợp đặc trưng từng vùng miền; Chọn tạo những giống cây trồng, vật nuôi mới đưa vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ NNCNC để các doanh nghiệp, nông dân hưởng lợi nhiều hơn; Tập trung công tác xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho NNCNC; Tăng cường thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân; Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn thông qua các lớp đào tạo nghề ngắn và dài hạn, giúp đội ngũ cán bộ khuyến nông và khuyến nông viên cơ sở tiếp cận các kiến thức mới, đáp ứng nhu cầu thực tiễn; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn cho nông dân những kiến thức kỹ thuật ứng dụng CNC; Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp, Hợp tác xã NNCNC để làm chức năng dẫn đắt, liên kết và làm đầu mối để xây dựng các thương hiệu sản phẩm công nghệ cao.

TS. Trần Văn Khởi – Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: “Đặc trưng của công nghệ cao là ứng dụng công nghệ tiên tiến, đầu tư lớn và thu lợi cũng lớn, hàm lượng chất xám cao và không làm tràn lan mà phải quy hoạch từng vùng. Đối với khuyến nông hiện nay, theo tôi nên chuyển giao khoa học kỹ thuật theo hướng phát triển nông nghiệp tiên tiến, áp dụng cơ giới hoá, sử dụng giống F1, đầu tư nhà màng, nhà lưới và kiểm soát môi trường để tạo ra sản phẩm thông dụng quanh năm, đạt chất lượng, có áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý vận hành sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao là đã thành công”.

 Vân Tâm

TT Khuyến nông TP. HCM

 


Ông Phạm Lâm Chính Văn – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP. HCM chia sẻ: Phát triển NNCNC là xu thế tất yếu của TP.HCM. Để phát triển nông nghiệp, UBND thành phố  đã ban hành 22 chương trình, đề án, trong đó có chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và tạo ra các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt (ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô, tăng tỷ lệ cơ giới hoá, tự động hoá vào các khâu sản xuất, ứng dụng công nghệ nhà lưới nhà kính, tưới tự động...), chăn nuôi (công nghệ xử lý chất thải), thuỷ sản (công nghệ Biofloc, xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học) và gắn với chuỗi giá trị sản phẩm an toàn. Với vai trò và nhiệm vụ của khuyến nông, Khuyến nông thành phố đã chủ động liên kết với doanh nghiệp hoạt động sản xuất NNCNC trên địa bàn tiếp nhận và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới cho cán bộ kỹ thuật khuyến nông để từ đó cán bộ khuyến nông tổ chức đào tạo, tập huấn lại cho nông dân làm tốt công tác “cầu nối” đưa KHKT về với nông dân, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tập trung thông tin tuyên truyền tập huấn, hội thảo, tham quan giới thiệu các mô hình điển hình về NNCNC, từ đó gắn kết tiêu thụ đầu vào, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Mở các lớp đào tạo nghề công nghệ cao cho nông dân. Tổ chức xây dựng mô hình theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Hiện đang cố gắng tham mưu cho UBND thành phố ban hành định mức kinh tế kỹ thuật NNCNC và xây dựng mô hình NNCNC điểm để chuyển giao cho nông dân.