Sản xuất dừa ở Bến Tre hiện nay còn nhiều hạn chế như diện tích manh mún, nhỏ lẻ, dịch hại phát triển làm ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của người trồng. Ngoài ra việc liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm vẫn còn nhiều bất cập chưa có các giải pháp hữu hiệu để duy trì phát triển các liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, tạo vùng nguyên liệu. Mối quan hệ nông dân và doanh nghiệp còn hết sức lỏng lẻo, thiếu sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Tình trạng thiếu liên kết và cạnh tranh không lành mạnh không chỉ tạo ra bất lợi lớn từ phía doanh nghiệp chế biến mà còn tác động đến nông dân, dẫn đến tâm lý hoang mang, dao động.

Từ thực trạng nêu trên, vừa qua, tỉnh đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững ngành dừa Bến Tre”. Hội thảo có sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh. Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các sở ngành, đoàn thể tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố, doanh nghiệp và HTX, THT và hơn 80 nông dân trong tỉnh.

Toàn cảnh hội thảo

Mở đầu hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo cho rằng cần xem hội thảo như là một “hội nghị Diên Hồng” nhằm tìm ra các giải pháp để nâng cao giá trị cây dừa, tạo quy trình khép kín từ trồng, chăm sóc, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, bởi hội thảo đã tập hợp được 4 nhà: nhà nước (quản lý), nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Trong thời gian qua, liên kết 4 nhà vẫn chưa thật sự gắn kết với nhau nhất là mối liên kết giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông vẫn còn lỏng lẻo. Chính vì vậy, cây dừa rất thăng trầm, không ổn định, do chưa xây dựng được chuỗi giá trị để đảm bảo tính bền vững.

Tại hội thảo, bà con nông dân, các nhà quản lý và doanh nghiệp trong ngành dừa đã thảo luận nhiều vấn đề về: giống, cách quản lý dịch hại trên cây dừa, chăm sóc vườn dừa trong điều kiện biến đổi khí hậu… Đặc biệt, hội thảo đã thảo luận sâu về giải pháp liên kết chuỗi giá trị trên cây dừa và mối liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp.

Các nội dung trao đổi trong hội thảo thống nhất đã đến lúc người trồng dừa cần phải thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, theo đó phải xây dựng các mô hình THT, HTX thay vì sản xuất riêng lẻ. Đây là một giải pháp cơ bản nhằm phát huy hiệu quả việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, lập vùng nguyên liệu, tạo sản phẩm hàng hóa ổn định. Ngành nông nghiệp tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người trồng dừa nâng cao nhận thức, tự nguyện tham gia vào THT và HTX, làm cầu nối cho sự gắn kết giữa người nông dân và doanh nghiệp; cải tạo các vườn dừa kém hiệu quả; triển khai các đề tài, ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng các mô hình mang lại thu nhập cao như mô hình nuôi tôm càng xanh trong vườn dừa, mô hình trồng bưởi da xanh, ca cao xen trong vườn dừa; quản lý dịch hại bằng biện pháp nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh…

Các doanh nghiệp cần tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của ngành dừa bằng cách đa dạng hóa các sản phẩm từ dừa như: sữa dừa, cơm dừa nạo sấy, nước cốt dừa, nước dừa đóng lon, sản phẩm mỹ nghệ từ dừa, mỹ phẩm… giúp cho ngành dừa Bến Tre phát triển bền vững và vươn xa trên thị trường quốc tế.

Người trồng dừa cần tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các nhà khoa học cần phải nghiên cứu để cung cấp cho người dân nguồn giống tốt, vật tư đầu vào đảm bảo chất lượng, kỹ thuật tiên tiến, nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao và bền vững.

Lê Đình Tấn Tài

Trung tâm Khuyến nông Bến Tre