Vừa qua, Hội Nông dân thành phố và Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao Tp.HCM đồng chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học “Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả và khả năng áp dụng cho Tp.HCM”.Hội thảo nhằm tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân trao đổi kinh nghiệm từ thực tế triển khai các mô hình canh tác nông nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hiệu quả và định hướng phát triển một số mô hình trồng trọt phù hợp với nông nghiệp đô thị trên địa bàn Tp.HCM.

Tại hội thảo, các tham luận được trình bày: Nông nghiệp công nghệ cao thúc đẩy nền nông nghiệp đô thị Tp.HCM phát triển bền vững; Một số mô hình trồng trọt hiệu quả có thể phát triển bền vững tại các huyện, quận trên địa bàn thành phố; Chuỗi giá trị rau an toàn trên địa bàn thành phố; Ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và chế biến nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ; Phân tích kiểm nghiệm chất lượng nông sản.

Ngoài ra, nội dung Hội thảo còn giới thiệu về các mô hình sản xuất có hiệu quả phù hợp với nông nghiệp đô thị thành phố đã được kiểm chứng qua thực tế trên 03 năm qua. Hiện đã có 5 mô hình được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công nhận là tiến bộ kỹ thuật, bao gồm: Quy trình kỹ thuật trồng một số loại rau ăn lá; Quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới; Quy trình trồng ớt cay trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; Quy trình kỹ thuật trồng cà chua bi nhóm sinh trưởng vô hạn trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; Quy trình công nghệ sản xuất và sơ chế rau ăn lá trong nhà màng theo chuỗi khép kín đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Ông Đỗ Việt Hà - Phó Trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao cho biết, sau nhiều năm nghiên cứu, hợp tác và học tập kinh nghiệm các quốc gia có trình độ cao trong nông nghiệp, chúng tôi đã xây dựng được các quy trình trồng trọt, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến và hiện đã làm chủ được công nghệ sản xuất ra hạt giống lai F1 của một số loại rau, quả có giá trị cao; trong đó, nhiều mô hình canh tác nông nghiệp đạt hiệu quả cao, phù hợp với nông nghiệp đô thị của Tp.HCM.

Đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Tp.HCM - ông Hoàng Đắc Hiệt, cho biết: Việc sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao đem lại giá trị sản xuất cao hơn nhiều so với canh tác truyền thống. Cụ thể, sản xuất rau cao cấp đạt bình quân 400 triệu/ha/năm, cao gấp 2 lần bình quân chung; sản xuất hoa cao cấp đạt bình quân 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp 1,6 lần bình quân chung. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nên đổi mới mô hình hỗ trợ nông dân, thay vì hỗ trợ vốn trực tiếp như hiện nay. Theo đó, nên có chính sách thông qua các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất các công cụ, vật liệu, giống, vật tư nông nghiệp… để thỏa thuận hỗ trợ nông dân theo phương thức đôi bên đều có lợi. Thành phố sẽ hỗ trợ để các hợp tác xã, doanh nghiệp có mối liên hệ với nông dân làm tốt việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất. 

Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội thảo, Ban tổ chức cũng đã công bố các loại giống tốt sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm thành công tại Tp.HCM và trên 30 tỉnh thành như hạt giống ớt chỉ thiên CNC02, hạt giống dưa leo CNC04; hạt giống khổ qua CNC03.

M.Hiếu