Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; đại diện các Trung tâm nghiên cứu thuộc khối CGIAR (Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế), các tổ chức quốc tế, các trường đại học, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm khuyến nông các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Yên Bái, Hà Nội, Hải Dương. Về phía Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có TS. Hạ Thúy Hạnh - PGĐ Trung tâm tham dự.

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo tổ chức nhằm giới thiệu một số kết quả ban đầu của Dự án quản lý rơm rạ của BMZ – IRRI, được tài trợ bởi tổ chức BMZ của Cộng hòa Liên bang Đức. Dự án được triển khai trong 3 năm, bắt đầu từ tháng 2/2016 tại 03 nước: Campuchia, Philippines và Việt Nam.

Hội thảo đặt ra các mục tiêu chính: Đưa ra các khuyến nghị dựa trên cơ sở khoa học cho các nhà hoạch định chính sách về thực hành tốt trong việc quản lý rơm rạ bền vững; Xây dựng chiến lược cho việc nhân rộng các thực hành tốt về quản lý rơm rạ bền vững; Tham vấn các nhà hoạch định chính sách trong việc lồng ghép vào chính sách.

Việc đốt rơm rạ tại hiện trường là một vấn đề lớn trong các hệ thống canh tác lúa thâm canh dẫn đến ô nhiễm môi trường, canh tác không bền vững và tăng phát thải khí nhà kính. Việc đốt rơm rạ cũng hạn chế nông dân trong việc tạo ra giá trị bổ sung để xây dựng các giải pháp mang lại lợi nhuận. Việt Nam đang sở hữu nguồn “tài nguyên” sinh khối rơm rạ khổng lồ, nhiều tiềm năng (nguồn phân bón, chất dinh dưỡng cho đất, nguồn năng lượng tái tạo, nguồn vật liệu trồng nấm và thức ăn chăn nuôi). Tuy nhiên, trong quản lý đốt rơm rạ còn nhiều thách thức gồm: diện tích ruộng nhỏ manh mún; thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm từ tái sử dụng rơm rạ còn hạn chế; nhận thức của cộng đồng dân cư còn thấp… 

Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận về các nội dung chính: Những thách thức và cơ hội trong quản lý việc đốt rơm rạ ở Việt Nam; các thực hành sản xuất tốt trong quản lý rơm rạ: nhân rộng và hoạch định chính sách; hoạt động quản lý rơm rạ tại các dự án và diễn đàn quốc tế; nhu cầu, thách thức và cơ hội trong sản xuất thức ăn gia súc từ rơm rạ; quản lý rơm rạ và biến đổi khí hậu; nhân rộng công nghệ và mô hình trong quản lý rơm rạ… và đề xuất các khuyến nghị cho hoạch định chính sách trong quản lý rơm rạ bền vững.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

TS. Martin Gummert - Trưởng dự án Quản lý rơm rạ, IRRI giới thiệu một số kết quả bước đầu của Dự án quản lý rơm rạ của BMZ - IRRI như: Thí điểm thu gom rơm rạ đầu tiên năm 2016 đã đóng góp 50% lượng rơm rạ trong mùa khô được thu gom tương đương giảm 50% lượng rơm rạ bị đốt trong mùa khô; phát triển công nghệ cacbon hóa và ủ phân hữu cơ từ rơm rạ; phát triển các thực hành về sản xuất nấm rơm cải tiến và an toàn, được nhân rộng ở Campuchia và Philippine thông qua tập huấn; nâng cấp chuỗi giá trị và gắn kết rơm rạ vào thị trường các sản phẩm có giá trị cao.

Theo TS. Bjoern Ole Sander - Trưởng đại diện IRRI Việt Nam, lượng khí nhà kính phát thải từ sản xuất lúa gạo của Việt Nam chiếm khoảng 10% lượng khí nhà kính từ lúa gạo toàn cầu. Việc để lại rơm và gốc rạ trên ruộng ngập nước có nguy cơ làm tăng khí nhà kính từ 2 - 3 lần, khí nhà kính có thể giảm thiểu bằng cách làm tơi xốp đất. Ông nhấn mạnh, loại bỏ rơm rạ khỏi đồng ruộng làm giảm lượng phát thải khí nhà kính so với để lại rơm rạ, loại bỏ một phần rơm rạ có thể là một giải pháp tạm thời để giữ chân đất, tạo thêm thu nhập và giảm phát thải.  

TS. Bjoern Ole Sander - Trưởng đại diện IRRI Việt Nam trao tặng Cuốn sách CSA: Thực hành nông nghiệp thông minh với khí hậu Việt Nam cho TS. Hạ Thúy Hạnh - PGĐ Trung tâm KNQG

Trong khuôn khổ hội thảo, TS. Bjoern Ole Sander đã giới thiệu nội dung Cuốn sách CSA: Thực hành nông nghiệp thông minh với khí hậu Việt Nam và trân trọng trao tặng cuốn sách này đến hệ thống khuyến nông, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh và các trường đại học, các đối tác - dự án trong ngành nông nghiệp.

Cuốn sách là một tài liệu tham khảo có giá trị, làm cơ sở cho các ban, ngành, cơ sở đào tạo, hệ thống khuyến nông, địa phương trong việc lựa chọn, thử nghiệm các giải pháp nông nghiệp CSA (Phát triển nông nghiệp thông minh với khí hậu), nhằm ổn định và nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi và cải thiện thu nhập cho người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tăng khả năng chống chịu và phục hồi trước các rủi ro về thời tiết và giảm thiểu biến đổi khí hậu.  

Thanh Thúy