Hội thảo có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Cục Chăn nuôi, Viện Môi trường, Viện Chiến lược Chính sách Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Công ty Cổ phần TH True milk, đại biểu tại các địa phương: Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa và Nghệ An.

Các đại biểu tham dự buổi hội thảo tập huấn

  

Phần mềm phối hợp khẩu phần thức ăn cho bò sữa PC Dairy do các nhà khoa học của Trường Đại học California Davis Hoa Kỳ phát triển để thiết lập và đánh giá khẩu phần thức ăn cho bò sữa. Phần mềm này đã được sử dụng hơn 30 năm qua tại Hoa Kỳ. Từ 2013 đến nay, phần mềm này đã được phát triển, sửa đổi, Việt hóa để phù hợp hơn với điều kiện chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam (PC Dairy VN).

Mục tiêu chính của PC Dairy VN là giúp nông dân chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam xây dựng khẩu phần cân bằng dinh dưỡng dựa trên nguồn thức ăn sẵn có ở nước ta để đạt năng suất sữa cao hơn nhưng lại giảm thiểu lượng phát  thải  khí nhà kính, đặc biệt là khí Mê-tan (CH4) được tạo ra trong dạ cỏ gắn với quá trình nhai lại của bò sữa. Cân bằng khẩu phần cũng sẽ ổn định chất lượng sữa nhằm đáp ứng tiêu chuẩn thu mua của các công ty chế biến sữa. Năm 2019, PC Dairy VN cập nhật phiên bản mới nhất để thiết lập khẩu phần cho bò sữa ở các giai đoạn khác nhau (bò tơ, tiết sữa, cạn sữa) với giá thành thấp nhất của khẩu phần dựa trên các thông số: khối lượng bò, giai đoạn sinh trưởng, sản xuất, sản lượng sữa, tỷ lệ mỡ sữa, sự thay đổi khối lượng, giá thức ăn và giá sữa… Đồng thời, phần mềm có thể ước tính giá trị dinh dưỡng của khẩu phần so với khẩu phần tiêu chuẩn, ước tính sản lượng sữa có thể đạt được với lượng thức ăn cung cấp tối thiểu và ước tính được lượng khí Mê-tan phát thải.

Toàn cảnh buổi hội thảo

 

Trình bày báo cáo tại hội thảo, ThS.Hoàng Thị Thiên Hương- Cục Chăn nuôi nhấn mạnh: Ứng dụng của PC Dairy VN đã giúp cải thiện khẩu phần ăn cho bò sữa, giảm giá thành sản xuất sữa và nâng cao hiệu quả chăn nuôi, giúp tính được lượng khí nhà kính phát thải trong chăn nuôi, giúp giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh.

Đánh giá về phần mềm thiết lập khẩu phần thức ăn cho bò sữa PC Dairy tại Việt Nam, PGS.TS Lê Thị Thanh Huyền – Viện Chăn nuôi cho rằng: Mặc dù còn nhiều hạn chế tuy nhiên phần mềm đã có một số ưu điểm sau:

Bộ công cụ đồng bộ tiếng Việt tiếp cận mở giúp thiết lập khẩu phần tối ưu về dinh dưỡng, giá cả, phát thải khí nhà kính theo nguồn thức ăn của các vùng sinh thái.

Bộ dữ liệu thức ăn: Giàu thông tin (gần 1000 loại thức ăn) từ 7 vùng sinh thái; Các thành phần dinh dưỡng trong dữ liệu đáp ứng yêu cầu cho hoạt động của phần mềm; Thức ăn được phân loại theo nguồn gốc (thô, ngũ cốc, sản phẩm phụ nông nghiệp, nấm men, khoáng…) thuận tiện cho người dùng tham khảo và sử dụng.

Phần mềm thiết lập khẩu phần tối ưu: Á́p dụng ước tính nhu cầu dinh dưỡng của bò theo năng suất sữa và mức khí thải; Tối ưu hóa chi phí và năng suất, duy trì cân bằng dinh dưỡng trong thức ăn và lựa chọn loại thức ăn cho mức phát thải thấp, theo vùng sinh thái; Có thể cung cấp dữ liệu giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra các giải pháp quản lý thức ăn và kiểm soát khí thải khí nhà kính trong chăn nuôi bò sữa.

Riêng đối với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, từ năm 2013- 2019, Cục Quản lý đối ngoại - Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và UC-Davis đã hỗ trợ Trung tâm  triển khai dự án: “Tăng cường năng lực cho hệ thống Khuyến nông Việt Nam trong chiến lược giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp”. Dự án đã tổ chức 6 lớp tập huấn, các buổi tham quan học tập, xây dựng mô hình trong trồng trọt và chăn nuôi nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, các năm qua Dự án đã liên tục hướng dẫn cho các học viên là cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông; cán bộ chăn nuôi, thú y các tỉnh, huyện; cán bộ kỹ thuật của các công ty; chủ trang trại chăn nuôi sử dụng phần mềm trong quản lý, xây dựng khẩu phần thức ăn chăn nuôi bò thịt và kỹ thuật chăn nuôi gia súc nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Phần thảo luận đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận. Các đại biểu đều cho rằng, để phần mềm sử dụng có hiệu quả cần hoàn thiện cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đồng thời cần có đánh giá sử dụng phần mềm trong thực tiễn sản xuất để cải tiến cho phù hợp hơn. Hy vọng, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện để khi đưa vào ứng dụng, phần mềm sẽ giúp đảm bảo được cả 3 yếu tố về hiệu quả kinh tế, hiệu quả môi trường và hiệu quả xã hội khi giúp tăng năng suất, giảm chi phí, tăng thu nhập cho người dân và giảm thiểu được lượng khí thải từ chăn nuôi nông nghiệp.

Việt Oanh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia