Câu chuyện được bắt đầu từ vụ lúa đông xuân 2010 - 2011 tại HTXNN Hoài Mỹ huyện Hoài Nhơn và HTXNN Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Lúc bấy giờ ông Trương Văn Hiền - Tổng giám đốc Công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An phối hợp với Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư (KN-KN) của tỉnh Bình Định do ông Nguyễn Xuân Thưởng - Giám đốc Trung tâm dẫn đầu cùng đi đến 2 HTX NN nói trên để làm việc với nội dung liên kết xây dựng CĐML kết hợp nhân giống lúa VT-NA2 và bao tiêu hết sản phẩm cho bà con nông dân.

Tại nơi làm việc ở cả 2 HTX NN Hoài Mỹ và Phước Sơn đều có chung một điểm giống nhau, đó là đều từ chối chấp nhận quy trình sản xuất do phía Tổng công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An đưa ra về việc giảm lượng giống gieo sạ. Theo đó, Tổng công ty chỉ cho phép áp dụng lượng giống gieo cho mỗi sào là 2,5 kg, tối đa không quá 3 kg/sào, thay cho gieo từ 5 - 6 kg/sào (500 m2) như bấy lâu nay. Cuộc trao đổi cứ giằng co mãi. Cả ông Văn Bá Du - chủ nhiệm HTX NN Hoài Mỹ và ông Hồ Đình Thiện - Chủ nhiệm HTXNN Phước Sơn đều cho rằng, nếu giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 2,5 - 3,0 kg giống/sào, mà làm giảm năng suất lúa thì ai sẽ là người chịu đền bù phần lúa giảm đó cho bà con nông dân.

Ngay lập tức ông Trương Văn Hiền vừa giải thích, vừa hướng dẫn mọi người cách làm để đánh giá và rút kinh nghiệm. Ông đề nghị Ban quản lý HTX chỉ căn cứ diện tích gieo cấy lúa của từng hộ trong vùng quy hoạch CĐML để phát giống 2,5 hoặc 3,0 kg/sào cho từng hộ. Trong số diện tích toàn bộ CĐML để lại 1 hoặc 2 hộ (khoảng 3 - 5 sào) cho phép họ gieo sạ với lượng giống như cũ (5 - 6 kg/sào) cùng giống lúa VT-NA2 để làm đối chứng so sánh, đánh giá kết quả cuối cùng năng suất lúa gieo thưa hay gieo dày theo tâp quán địa phương bên nào năng suất cao hơn. Nếu gieo dày 5 - 6 kg giống/sào mà năng suất lúa cao hơn thì Tổng Công ty sẽ đền bù đủ số lượng lúa thấp đó trên toàn bộ diện tích lúa gieo sạ thưa do Tổng Công ty chủ trương làm. “Nếu bà con nông dân không tin, không gieo sạ giảm đi 1/2 lượng giống gieo trên một sào thì Tổng Công ty không thể ký hợp đồng liên kết sản xuất trên CĐML ở đây”, ông Trương Văn Hiền nói.

Cuối cùng thì cả 2 HTX NN Hoài Mỹ và Phước Sơn đều nhất trí thực hiện quy trình sản xuất lúa gieo sạ thưa do Tổng Công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An liên kết phối hợp với Trung tâm KN-KN tỉnh Bình Định đưa ra.

Kết thúc vụ lúa đông xuân 2010 - 2011, không bất ngờ đối với Tổng công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An nhưng bà con nông dân ở 2 HTX NN Hoài Mỹ và Phước Sơn thật sự ngỡ ngàng và vui sướng. Trên CĐML rộng 72 ha ở Hoài Mỹ và 70 ha ở Phước Sơn lúa vừa tốt, vừa sạch sâu bệnh, vừa trĩu bông, năng suất không những hơn hẳn ruộng lúa đối chứng gieo sạ dày mà còn cao hơn hẳn năng suất của các giống lúa khác được gieo sạ dày xung quanh vùng CĐML.

Theo đánh giá kết quả theo dõi trên CĐML ở 2 HTX NN Hoài Mỹ và Phước Sơn do Trung tâm KN-KN tỉnh Bình Định báo cáo thì tại HTXNN Hoài Mỹ năng suất lúa trên CĐML gieo sạ thưa đạt bình quân 78,0 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa cùng giống nhưng gieo sạ dày 9,20 tạ/ha (năng suất lúa gieo sạ dày đạt bình quân 68,8 tạ/ha), tương đương 13,37%. Còn tại HTXNN Phước Sơn, năng suất lúa trên CĐML gieo sạ thưa đạt bình quân 76,6 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa trên diện tích gieo sạ dày làm đối chứng 9,10 tạ/ha, tương đương 13,48%.

Từ thực tế này, trước khi thu hoạch vụ lúa đông xuân 2010 - 2011, Sở NN & PTNT Bình Định đã mời lãnh đạo, Trưởng phòng NN & PTNT, trạm trưởng các Trạm KN-KN của tất cả các huyện, thành, thị trong tỉnh về tham quan hội thảo đầu bờ trên CĐML tại 2 HTX NN nói trên.

Tại cuộc hội thảo này, ông Hồ Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Bình Định đã đánh giá kết quả sản xuất rất tốt. Trong đó ông nhấn mạnh: Thành công lớn nhất là gieo sạ thưa với mật độ gieo từ 2,5 - 3 kg giống/sào cho năng suất lúa cao hơn hẳn gieo sạ dày. Tập quán xưa nay của bà con nông dân đang làm là một sai lầm lớn, cần phải thay đổi ngay. Vì vậy đề nghị các huyện, thành, thị chỉ đạo áp dụng ngay từ vụ lúa hè thu 2012. Nếu áp dụng tốt chủ trương gieo sạ thưa không những tăng thêm 12 - 13% năng suất lúa và còn tiết kiệm được bình quân mỗi ha từ 50 - 60 kg thóc giống, tương đương với 1,25 - 1,5 triệu đồng, một con số không hề nhỏ nếu chỉ đạo thực hiện tốt trên toàn bộ diện tích hơn 80 ngàn ha lúa gieo sạ hàng năm ở tỉnh nhà.

Thật vui mừng là từ sau vụ lúa đông xuân 2010 – 2011đến nay, Sở NN & PTNT tỉnh Bình Định luôn chủ trương phải thực hiện gieo sạ thưa để vừa nâng cao năng suất lúa, vừa giảm bớt lượng giống gieo nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân. Chủ trương này đã thực sự được phần lớn bà con nông dân trong toàn tỉnh thực hiện tốt cho đến bây giờ.

Câu chuyện gieo sạ thưa đối với cây lúa tưởng chừng chỉ có ở khu vực các tỉnh từ miền Trung trở vào các tỉnh Nam Bộ. Thật bất ngờ khi chúng tôi đi cùng ông Trương Văn Hiền vào huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh để phối hợp với UBND huyện triển khai liên kết với một số HTXNN trong huyện Cẩm Xuyên xây dựng mô hình CĐML và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Được sự đồng ý huyện Cẩm Xuyên, Tổng Công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An cùng phối hợp với UBND huyện tổ chức xây dựng CĐML ở xã Cẩm Bình ngay trong vụ lúa hè thu 2012.

Theo giới thiệu của UBND huyện Cẩm Xuyên thì Cẩm Bình là một xã có diện tích gieo cấy lúa mỗi vụ 473 ha và là xã anh hùng về ngành giáo dục và anh hùng trong thời chống Mỹ cứu nước.

Cùng đi với chúng tôi đến xã Cẩm Bình để bàn bạc về việc liên kết xây dựng CĐML và tiêu thụ sản phảm cho bà con nông dân có ông Trần Hữu Duyệt - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên và ông Nguyễn Đình Hà - Trưởng phòng NN & PTNT huyện.

Chúng tôi hi vọng lần gặp gỡ đầu tiên giữa chúng tôi với lãnh đạo UBND xã Cẩm Bình cùng với 12 xóm trưởng và đại diện một số bà con nông dân có kinh nghiệm sản xuất khá ở địa phương cùng tham gia sẽ đem lại kết quả tốt đẹp.

Sau lời phát biểu đặt vấn đề về nội dung cuộc gặp gỡ này của ông Trương Văn Hiền - Tổng giám đốc Công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An và ông Trần Hữu Duyệt - Phó chủ tịch UBND huyện, đại diện UBND xã Cẩm Bình ông Đặng Quốc Hải - Chủ tịch UBND xã không những cảm ơn mà còn rất ủng hộ chủ trương xây dựng CĐML và bao tiêu hết sản phẩm của bà con nông dân với giá khuyến khích tăng 10% so với giá mặt bằng thị trường. Chủ trương thì thống nhất, nhưng khi thảo luận về quy trình sản xuất thì lại vướng phải quy định lượng hạt giống gieo sạ cho mỗi sào lúa (500 m2) chỉ có 2,5 kg, tối đa không quá 3 kg, giảm đi 1/2 lượng giống gieo theo tập quán của địa phương. Đây là một vấn đề khá nan giải khi phải xóa bỏ đi một tập quán của bà con nông dân. Nhưng về phía Tổng công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An, ông Trương Văn Hiền kiên quyết: “Không giảm lượng giống gieo xuống còn 2,5 - 3 kg/sào thì chúng tôi không làm”.

Còn ông Trần Hữu Duyệt - Phó Chủ tịch UBND huyện thì nói: “Cả huyện Cẩm Xuyên có tập quán gieo sạ lúa từ lâu nay rồi và lại gieo với mật độ 5 - 6 kg/sào, gieo quá dày. Vì vậy hôm nay có sự phối hợp, liên kết của Tổng công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An với UBND huyện và với UBND xã Cẩm Bình để chúng ta xây dựng hình mẫu CĐML, trong đó có nội dung đổi mới tập quán gieo sạ dày 5 - 6 kg giống/sào chuyển sang gieo sạ thưa 2,5 - 3 kg/sào. Đây là một tiến bộ kỹ thuật cần được áp dụng. Nếu chúnta làm tốt thì thành công ở Cẩm Bình sẽ lan tỏa ra cả huyện, cả tỉnh”.

Tin tưởng sự vào cuộc của UBND hyện, sự liên kết của Tổng công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An, lãnh đạo xã, các xóm trưởng và đại diện một số hộ nông dân hạ quyết tâm thực hiện ngay trong vụ hè thu 2012 với diện tích 250 ha/473 ha lúa cả vụ.

250 ha một con số không nhỏ ở một xã lần đầu tiên xây dựng CĐML. Điều đó cũng chứng tỏ quyết tâm cao của UBND xã Cẩm Bình trong việc đi đầu phong trào xây dựng CĐML ở huyện Cẩm Xuyên nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.

Cẩm Bình vốn là xã có trình độ dân trí khá, người dân lại cần cù và siêng năng. Đồng ruộng Cẩm Bình cũng rất bằng phẳng, nguồn nước tưới tiêu hoàn toàn chủ động. Đúng là thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã đem lại cho Cẩm Bình một vụ sản xuất hè thu thắng lợi lớn với kết quả năng suất lúa đạt bình quân chung toàn xã trong vụ hè thu 2012 đạt 63 tạ/ha. Riêng trên diện tích CĐML 250 ha đạt năng suất lúa bình quân 66,3 tạ/ha. Tính ra năng suất lúa gieo sạ thưa (2,5 - 3 kg/sào) cao hơn năng suất lúa gieo sạ dày (5 - 6 kg/sào) là 7,0 tạ/ha, bằng 11,11%.

Từ kết quả trên, lãnh đạo xã Cẩm Bình qua tính toán cho thấy: Sản lượng lúa bội thu nhờ gieo sạ thưa trên CĐML đã đem lại 175 tấn thóc, tương đương với số tiền 1.050 triệu đồng và còn tiết kiệm được tối thiểu 12,5 tấn thóc giống với giá trị số tiền là 312,5 triệu đồng.

Mô hình CĐML kết hợp ứng dụng quy trình gieo sạ thưa trên quy mô 250 ha lần đầu tiên được thực hiện ở xã Cẩm Bình đã gây ra tiếng vang lớn sau chuyến tham quan hội thảo đầu bờ do Sở NN & PTNT tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Cẩm Xuyên và Tổng Công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An cùng phối hợp tổ chức trước ngày lúa được thu hoạch 7 - 8 ngày.

Theo ông Trần Hữu Duyệt, thành công lớn nhất từ mô hình CĐML ở xã Cẩm Bình là giảm lượng giống lúa gieo sạ từ 5 - 6 kg/sào xuống còn 2,5 - 3 kg/sào. Kỹ thuật này đã được áp dụng tốt trên phạm vi toàn huyện. Hiện tại huyện Cẩm Xuyên mỗi năm gieo sạ 9.500 ha lúa vụ xuân và 8.800 ha lúa vụ thu do áp dụng tốt quy trình kỹ thuật gieo sạ thưa 2,5 - 3 kg/sào nên toàn huyện mỗi năm đã tiết kiệm được tối thiểu hơn 900 tấn thóc giống, một con số không hề nhỏ.

Theo chúng tôi được biết thì hiện tại không riêng gì ở huyện Cẩm Xuyên có phong trào gieo lúa sạ thưa, mà phong trào ấy nay đã lan tỏa ra khắp 11 huyện, thành, thị của cả tỉnh Hà Tĩnh từ ngày ấy cho đến bây giờ và vẫn đang được áp dụng rất tốt.

Doãn Trí Tuệ

Trung tâm KN-KN Nghệ An